Bài Chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và là trò chơi dân gian đặc trưng của ông cha còn lưu giữ đến ngày nay ở miền Trung Việt Nam. Tại phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, Bài Chòi được diễn xướng hàng đêm, thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia.
Sau những ngày mưa lũ, sân vườn tượng Hội An lại nhộn nhịp du khách quanh sân Bài Chòi. Giữa sân, người ta đã để sẵn ống tre đựng quân bài, chiếc trống hội lại gõ nhịp. Những que cờ đuôi nheo màu hồng được may mới để phát cho người chơi thắng cuộc.
Chơi Bài Chòi ở Hội An. |
Theo những nghệ nhân Bài Chòi Trung bộ, tên “ Bài Chòi” xuất phát từ hình thức chơi vì những người chơi bài ngồi trong 8 hay 10 cái chòi chia thành hai hàng đối nhau, ở một đầu và giữa hai hàng chòi là chòi hiệu. Vật chơi là bộ bài có 32 thẻ bài, chia đều cho 10 người, mỗi người 3 quân, còn 2 quân để lại.
Người cầm chịch cuộc chơi cũng có một bộ thẻ bài như vậy đựng trong một ống tre trên một cây nọc cao vừa đủ để “anh hiệu” không nhìn thấy các quân bài nhưng đủ để anh rút được nó. Người ở chòi hiệu rút các quân bài ở ống bài ra, cứ mỗi quân bài lại hát một câu “thai” để mọi người ở các chòi đoán xem đó là con bài gì. Trong số 10 người chơi, ai có quân bài trùng với tên quân bài anh Hiệu vừa xướng thì hô to "có đây", một anh lính lệ chạy lại và trao cho người đó một lá cờ rồi đổi lấy quân bài.
Lâu nay, người dân Hội An đã rất quen thuộc với giọng hô ngọt ngào, hài hước khi xướng “lời thai” các con cờ Bạch Tuyết, Thái Tử, Ngũ dụm, Nhì bí, Tám giây của “anh hiệu Bài Chòi” Nguyễn Đáng trong mỗi đêm phố cổ.
Khi hát những lời này, nghệ nhân Nguyễn Đáng thường sử dụng kỹ thuật nhấn, luyến, nói để gây cười, làm cho không khí của trò chơi dân gian Bài Chòi trở nên sôi động. Để có được những buổi diễn xuất tốt, ông Đáng luôn tìm hiểu kỹ về kiến thức lịch sử, văn hóa, các làn điệu Bài Chòi để hướng dẫn, giải thích thêm cho người chơi, cho du khách.
Chị Nguyễn Thị Kim Liên, du khách đến từ Hà Nội sưa những làn điệu dân ca mượt mà: "Lần nào đến Hội An mình cũng chơi Bài Chòi, rất là thích. Dân ca khuyên con người ta cái hay, cái tốt, mình trúng nhiều lắm, cũng may mắn mà vui nữa".
Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao thành phố Hội An, cho biết dày công nghiên cứu, sưu tầm phục dựng Bài Chòi cổ cho Hội An. Theo ông Phùng, bên cạnh những câu hát dân gian dựa trên 4 làn điệu chính là Xuân Nữ, Cổ Bản, Xàng Xê và hò Quảng, Bài Chòi Hội An còn phải sử dụng nhiều câu hát phù hợp với đương đại. Có như vậy mới phát huy được cái hay, cái đẹp của Bài Chòi cổ nhưng vẫn kéo được du khách đến với trò chơi dân gian diễn xướng đặc biệt này.
Bài Chòi là hình thái nghệ thuật dân gian bình dân, mang bản sắc văn hóa riêng của cộng đồng dân cư. Bài Chòi mang hơi thở của cuộc sống, thể hiện tính đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của những cộng đồng dân cư và được kế tục qua nhiều thế hệ. Bài Chòi với hình thức vui chơi không chỉ có ý nghĩa giải trí đơn thuần mà chính là sân khấu trình diễn của làn điệu dân ca đặc trưng của con người miền Trung. Hình thức nghệ thuật độc diễn này ở Hội An cũng có những nét tương đồng với cái nôi Bài Chòi cổ ở Bình Định. Sản phẩm văn hóa ấy xứng đáng có chỗ đứng trong kho tàng di sản văn hóa dân gian Việt Nam và của cả nhân loại./.