“Súy Vân” là một trong 7 vở chèo cổ đặc sắc. Những năm 1960, vở diễn đã được tác giả Hàn Thế Du viết lại cho “gọn” hơn, đạo diễn NSND Trần Bảng trực tiếp đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Hàm thiết kế mỹ thuật và NGND, nhạc sĩ Hoàng Kiều viết nhạc.

Trải qua năm tháng, như ngọc càng mài càng sáng, vở diễn đã trở thành kinh điển của nghệ thuật chèo trong 50 năm qua.

22046779_1261333490645309_8762674628301121382_n_uttt.jpg
"Suý Vân" trên sân khấu chèo.

Tưởng nhớ Nhà giáo nhân dân, nhạc sĩ Hoàng Kiều vừa qua đời, tối 25/9, Nhà hát Chèo Việt Nam đã trình diễn lại vở chèo cổ “Súy Vân”. Có mặt tại đêm diễn là hàng trăm khán giả yêu chèo, Giáo sư Trần Bảng - đồng tác giả của vở diễn, và là người bạn thân thiết của NGND Hoàng Kiều - tuy đã 93 tuổi vẫn bảo con là NSƯT Trần Lực đưa đến xem lại. Gần 3 tiếng đồng hồ, cả khán phòng im lặng, chăm chú theo dõi từng cử chỉ, động tác, giọng hát, lối diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam.

Làm nên thành công của vở diễn “Súy Vân" tối 25/9 là tổng thể của cả tập thể nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam. Có thể nhấn mạnh mấy yếu tố để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc đối với khán giả.

Thứ nhất là diễn viên Thục Hiền: Lần đầu tiên tôi được xem Thục Hiền diễn "Súy Vân", gần 3 tiếng. Đây là một giọng hát đẹp, một lối diễn đầy nội lực. Có thể nói bên cạnh thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần, diễn "Súy Vân" cần phải khỏe. Tôi chăm chú theo dõi và lo lắng cho Hiền nhiều bởi 3 tiếng “quần quật" trên sân khấu. Cuối cùng thì cũng đến lúc hạ màn. Tôi thở phào vì Thục Hiền đã thể hiện thành công một cách xuất sắc "Súy Vân".

Khán giả thích thú với đêm chèo.

Với diễn viên Minh Hải,thú thật khi Minh Hải đạt Huy chương Vàng cho vai Phù thủy trong cuộc thi tài năng sân khấu trẻ 2017 tại Thanh Hóa, nhiều người có chút lăn tăn, vì dường như Hải không hợp lắm với vai diễn này, nhưng xem Hải diễn Phù thủy trong vở diễn "Súy Vân" quả thật, tôi ngỡ ngàng. Bên cạnh diễn nguyên bản Phù thủy của các thầy, Hải đã có nhiều chỗ sáng tạo, đặc biệt là ngẫu hứng. Yếu tố diễn ngẫu hứng trong chèo nói riêng và sân khấu nói chung không phải dễ dàng. Nó thể hiện khả năng “phi thường" của diễn viên. Đó là lúc bản chất nghệ sĩ bộc lộ rõ nhất. Minh Hải đã làm rất tốt điều đó.

Tôi đặc biệt ấn tượng với dàn đồng ca của Nhà hát Chèo Việt Nam. Nghe dàn đồng ca của Nhà hát “hát cơ" và hát thể hiện tâm trạng nhân vật thấy màu chèo, nét chèo và thần thái của chèo biểu hiện một cách rõ nhất. Không hiểu các anh, các chị có nhiều thời gian tập không, nhưng để có một đêm diễn mà gần chục bài hát đồng ca, có cả đồng ca nam, mà đều, mà tươi, mà chèo thế, tôi đồ chừng có khi cả mất cả tháng. Mà phải hiểu nhau lắm mới có được một dàn đồng ca như thế.

Bên cạnh đó phải nói rằng dàn nhạc Nhà hát Chèo Việt Nam ở vở "Súy Vân", ai biểu diễn cũng xuất sắc. Một  lối chơi hòa đồng, tập thể, không cây nào chơi trội, mà réo rắt, mà tinh tế, mà phóng khoáng, nhưng lại ăm ắp màu chèo.

Cuối cùng phải nói đến phần kỹ thuật âm thanh. Xem nhiều vở diễn, tôi ấn tượng với cách xử lý âm thanh của các kỹ thuật viên hậu đài Nhà hát Chèo Việt Nam. Một âm thanh nhẹ nhàng, dễ chịu, ấm, không chói gắt, và cũng không vang quá. Một không gian âm thanh gần như mộc, nên người xem có cảm giác đang được ngồi trong sân đình xem chèo thật sự.

Lâu rồi mới lại có cảm giác vui đến thế vì chất chèo, lối chèo, màu chèo vẫn còn thấm đẫm trong nhiều nghệ sĩ, diễn viên, của một Nhà hát - con chim đầu đàn của ngành chèo cả nước./.