Do khí hậu, tập tục cũng như dấu ấn của nền kinh tế lúa nước, hầu hết lễ hội của nước ta diễn ra vào mùa xuân. Nhưng hội làng Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mở vào giữa mùa hạ, đúng rằm tháng năm.

Tín ngưỡng cổ tại Thăng Long

Tôi có hỏi vì sao hội làng Chèm lại diễn ra vào mùa hạ, cụ Lê Văn Hiệu, đã trải qua gần một thập niên giữ trọng trách làm một thủ từ mẫn cán của đình làng Chèm cho biết: Thời gian mở hội chính là thời gian vị Thành hoàng làng là Lý Thân, sinh vào đời Hùng Duệ Vương, sau khi có công giúp Thục Phán - An Dương Vương đánh thắng quân Ai Lao, Chiêm Thành và quân phương Bắc được vua sắc phong và ban thưởng công trạng vinh quy về làng.

Sau này khi được cử sang nhà Tần, ông không những trở thành nhà ngoại giao của nước Việt cổ với hàm Tư lệ Hiệu Úy (khảo sát tài năng của ông, vua Tần thấy văn ông đạt “Hiếu liêm”, võ đạt “Hiệu úy”), mà còn có công giúp Tần Thủy Hoàng dẹp giặc Hung Nô được vua Tần phong tặng và gả con gái cho.

chem1_qond.jpg
Hội Chèm. (Ảnh: TITC)

Thần phả của đình Chèm còn ghi rõ thời gian ngôi đình được dựng. Đó là vào giữa thế kỉ VII, khi Triệu Xương quan nhà Đường làm Đô hộ Giao Châu nằm mơ thấy Thượng Đẳng Thiên Vương - tước hiệu vua phong cho đức Thành hoàng làng Chèm - hiện lên giảng sách Xuân Thu Tả Thị Truyện mới hỏi Ngài quê quán ở đâu. Khi được Ngài trả lời rõ ràng, viên Đô hộ này mới về Chèm xây đình thờ Ngài. Nửa thế kỉ sau, Cao Biền cảm công đức Lý Ông Trọng thường hiển linh giúp đánh thắng quân Nam Chiếu nên cho tu sửa đền thờ, tạc gỗ làm hai pho Thượng Đẳng Thiên Vương, cùng phu nhân của Ngài là Bạch Tịnh Cung cùng lục vị vương là 6 người con của Ngài.

Nói về đình Chèm không chỉ hiển hiện là một trong những tín ngưỡng cổ tại địa bàn Thăng Long - Long Biên xưa, Thủ đô Hà Nội nay - Từ thời Trần đến thời Nguyễn,  Đức thánh Chèm được  sắc phong liên tục - mà ngôi đình này còn là một công trình kiến trúc độc đáo chứng tỏ tài năng, sức sáng tạo của cha ông ta cách đây gần 2000 năm. Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc chắc chắn và công phu. Tam quan ngoài bố trí đầy đủ tứ linh long, ly, quy, phượng quay ra bốn hướng. Tam quan trong xây ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào. Khu nhà bia, sân đình, tả hữu mạc, phương đình tám mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công.

Bên cạnh sự tồn tại của đình trải qua gần 20 thế kỷ đến nay vẫn vững vàng, gần như nguyên vẹn hình hài từ khi xây dựng, đến đầu thế kỉ XX lại thêm việc kiêu đình lên tránh lũ sông đã làm nên kì tích ghi nhận sự giữ gìn, và bảo vệ của nhân dân làng Chèm và hai làng Hoàng, Mạc anh em…

Năm Ất Mão (năm1915), lũ sông Hồng gây trận lụt lớn làm vỡ đê Liên Mạc. 2 năm sau, vào năm Đinh Tỵ (năm 1917), chính phủ Pháp cho đắp thêm đê chống lụt. Dân ba làng trong dịp đó muốn kiêu đình lên cao để  “trước chống thủy tai, sau sửa tôn miếu mạo”. Ngặt vì dân ba làng đều nghèo, Tổng đốc tỉnh Hà Đông Hoàng Trọng Phu (thời ấy làng Chèm thuộc phủ Hoài Đức, Hà Đông) phát động quyên góp để tu tạo, nâng đình.

Sau khi có quỹ, dân làng Chèm cùng dân hai làng anh em mới nghĩ ra sáng kiến, neo buộc, giàng kĩ các chân đình, rồi dùng phương pháp đòn bẩy thủ công nâng đình. Sau mỗi hồi phách của người tài công, dân làng đồng loạt kích kê cao chân cột đình. Với phương pháp đơn sơ mà tài ba như vậy, sau trọn một tháng, toàn bộ các hạng mục, công trình của tòa đình đồ sộ trong khuôn viên 5.000m2 đã được dân ba làng nâng lên 2,4m so với nền đình cũ. Cụ từ Hiệu đã dẫn tôi ra chỉ rõ những dấu tích của tường đình cũ so với tường đình mới. Năm ngoái, trong hội đình, dân ba làng anh em Chèm, Mạc, Hoàng đã trọng thể làm lễ kỷ niệm 100 năm nâng đình.

Ấn tượng về sự hùng tráng của hội làng

Giờ đã vào tuổi thất thập, tôi vẫn không thể quên ấn tượng hùng tráng của hội làng tôi. Ấn tượng này bắt đầu từ đám rước kiệu, rước nước, rước văn cùng lễ mộc dục - lễ tắm cho ông Sứ - một bộ tướng thân tín của Thượng Đẳng Thiên Vương. Dưới cái nắng hừng hực của những ngày nắng chảng tây, những chàng trai khỏe mạnh của làng không quản nóng, nắng trong trang phục truyền thống, mình đóng khố, thắt lưng bao, đầu quấn khăn mỏ rìu rước ngai dọc làng từ đình đến bến Ngự dài hơn cây số. Thỉnh thoảng tiếng hô “uy vũ” đồng loạt cất lên biểu lộ ý chí, uy phong đánh giặc của Đức Thánh làng trong tiếng nhạc hành vân, lưu thủy làm nền cho vũ điệu múa lụa của những thiếu nữ làng xinh đẹp.

Rằm - ngày chính hội, lễ mộc dục được tiến hành trọng thể. Những trai tân khỏe mạnh của làng bơi những chiếc thuyền chở các cụ bô lão mang chóe ra giữa dòng sông Cái đúng mùa nước cường để lấy nước về tiến hành nghi lễ. Trong ba ngày, mỗi buổi sáng bắt đầu ngày hội đều diễn ra lễ tế trang trọng mà viên chủ tế hằng năm đều được tuyển lựa kĩ càng từ các xuất đinh trong làng…

Ảnh: TITC

Cùng với những nghi lễ thành kính và trang trọng nhắc cho con cháu công lao, oai linh của Đức Thành hoàng thì phần hội thật phong phú. Những hội thả chim câu của các bậc bô lão trong làng, thi lội nước bắt vịt của trai tráng đến những cuộc thi hát của các đoàn liền anh, liền chị từ miền Quan họ Bắc Ninh xa xôi, những cuộc thi nấu chè kho với những động tác đánh, ngào bột theo dáng bơi thuyền… Những đêm chèo sân đình xưa. Năm ngoái, Nhà hát Chèo Quân Đội còn về diễn vở chèo nổi tiếng “Chu Văn An - người thầy của muôn đời” mà tác giả kịch bản là người làng Chèm.

Hồi nhỏ theo mẹ ra lễ đình, về nhà ông ngoại ăn cỗ hội cho đến nay khi đã là ông nội của đàn cháu mà vị chè kho (bánh làm bằng đậu xanh với đường kính) vị cháo xe (cháo nấu từ bột gạo xay nhuyễn, trộn rẻo xe thành hình đũa nấu với sườn lợn, tôm nõn) - là hai thực phẩm đặc sản của hội làng Chèm vẫn để lại dư vị trong tôi./.