hinh_1_bheo.jpg
 Nằm trong chuỗi sự kiện Fastival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-2017, "Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam”, được tổ chức từ ngày 11-13/6  tại huyện Tây Giang, với sự tham gia của 18 dân tộc thiểu số đến từ 15 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong ảnh là một góc làng truyền thống Cơ Tu tại xã A Tiêng (Tây Giang).

Tây Giang (Quảng Nam) là huyện biên giới có văn hóa vật thể và phi vật thể của người Cơ Tu rất đặc sắc và được đồng bào nơi đây quý trọng, giữ gìn và phát huy. 
Trong ảnh, chị em khắp nơi tề tựu về Làng tham gia mừng lễ dựng nêu.

Cây nêu được chế tác trong hơn một tháng, cao 6,3m, có đường kính 0,6m, được làm từ thân cây to trong rừng. Trước ngày mừng lễ dựng cây nêu, cột nêu được chôn chặt, buộc trâu vào để đêm khuya có người khóc trâu, thường là chủ trâu.

Vào phần lễ, đội múa tân tung – da dá được các vị già làng dẫn đầu. Báo hiệu điệu múa theo nhịp trống chiêng bằng một mũi tên bắn lên chim trên đỉnh X’nur.

Từng đôi nam nữ và cả trẻ em của làng múa điệu tân tung – da dá quay quanh trụ cột X’nur theo tiếng trống thập thình.

Bao giờ vũ điệu da dá của chị em phụ nữ Cơ Tu luôn làm tô đậm ngày hội bởi sự uyển chuyển, nhịp nhàng, đôi tay dâng trời cầu mưa thuận gió hòa.

Chị Cơlâu Thị Báp từ xã Lăng không ngại đường xa cùng tham gia điệu da dá tại lễ hội dựng cây nêu. Theo chị, lâu lắm chưa được múa chung vui cùng đồng bào, sáng sớm chị cùng chồng xuống huyện xúng xính cùng chị em, rũ bỏ một phần khó nhọc của công việc làm nương rẫy.

Trẻ em cũng là đội “chủ lực” góp thêm cho ngày hội vui tươi, nhộn nhịp.

Ngoài tiếng trống chiêng, cùng tiếng hú tù và rộn rã, vang vọng núi rừng, thì tiếng khèn cũng được các nghệ nhân trình diễn mang tiết tấu riêng hòa nhịp chung theo điệu múa của các đôi nam nữ.

Cụ bà trước đây từng là trụ cột chính trong điệu múa da dá của làng Pơr’ning (xã Lăng). Bà rất vui được cùng mọi người tham gia ngày hội.

Trước đây, trong lễ hội, con trâu bị đâm vào vai đến chết. Giờ đây, trong lễ hội dựng cây nêu, con trâu được buộc chắc vào cột X’nur, người ta dùng con dao nhỏ chọc lấy máu hiến thần linh, con trâu thanh thản ra đi.

 Kết thúc lễ hội, các “diễn viên không chuyên” tranh thủ xem lại hình ảnh điệu múa của mình tại lễ hội, còn các em nhỏ được vui chơi thỏa thích.