Hôm nay, tại Hà Nội, phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Phiên họp sẽ diễn ra trong 3 đợt, từ 12- 26/9. Đây là phiên họp với nhiều nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Phiên họp thứ 11 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, gắn với việc giải quyết những khó khăn, tồn tại của đất nước và việc triển khai nhiệm vụ trước mắt và lâu dài để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”.

 uy-ban.jpg
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì  phiên họp (Ảnh TTXVN)

 Chủ tịch Quốc hội cho biết: Các dự án Luật được thảo luận tại phiên họp này là những dự luật có tầm quan trọng đặc biệt, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm như dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)… Trong công tác giám sát, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 2 chuyên đề liên quan đến chính sách, pháp luật về đất đai.

Một nội dung quan trọng khác sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp này là Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận về các báo cáo của Chính phủ và nhiều nội dung quan trọng khác.

Trong sáng nay, cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2013, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, kế hoạch đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ quản lý tài chính, ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, xác định trọng tâm cần tập trung kiểm toán cũng như tiêu chí lựa chọn đơn vị được kiểm toán khá phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: các đầu mối để kiểm toán cần rút gọn lại để tránh chồng chéo, đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán: “Tôi vẫn thấy đầu mối nhiều quá, nên tập trung nâng cao chất lượng hơn là rải ra về số lượng, làm sao một bản kiểm toán kết luận được sai, đúng và xử lý, kể cả việc có dấu hiệu cần điều tra. Như vậy là nên co lại để tập trung hơn, làm cho có chất lượng hơn. Chất lượng hơn nghĩa là đúng sai rõ ràng, có thời hạn xử lý, trách nhiệm xử lý, nếu có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng là chuyển cơ quan điều tra”.

Liên quan đến kiểm toán đối với hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước, Thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách dẫn chứng: Hiện nay, vi phạm về khai báo sai số lượng, giả mạo chữ ký và con dấu Hải quan, tẩu tán hàng hoá trong quá trình vận chuyển… diễn ra khá phổ biến. Theo thống kê, đến nay còn 3177 tờ khai đã quá hạn nhưng chưa thực hiện làm thủ tục hải quan.

Riêng đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất xăng dầu, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm một số doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu xăng dầu đầu mối có tỉ lệ hàng tồn kho tạm nhập tái xuất quá cao. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị cần tăng cường kiểm toán công tác quản lý, sử dụng Quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng và thu ngân sách nhà nước từ hoạt động tạm nhập, tái xuất.

Đối với hoạt động của các tập đoàn, Tổng Công ty, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị cần bổ sung vào kế hoạch kiểm toán năm 2013 một số tập đoàn kinh tế đang có vấn đề nổi lên mà dư luận xã hội quan tâm như Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn điện lực, Tập đoàn xăng dầu.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra còn có quan điểm khác nhau về mức giảm trừ gia cảnh. Dự thảo Luật quy định nâng mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế mỗi tháng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mỗi tháng từ 1,6 triệu đồng lên mức 3,6 triệu đồng; đồng thời bổ sung quy định: Khi giá thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách lại đề nghị hạ mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và người phụ thuộc xuống còn 7 triệu và 2,8 triệu đồng. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với quan điểm này của Uỷ ban Tài chính- Ngân sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu ý kiến: “Tôi nghĩ nếu đưa ra Quốc hội, Quốc hội cũng sẽ ủng hộ phương án của Chính phủ chứ không bớt xuống đâu. Trách nhiệm xây dựng đất nước không phải chỉ là thuế đóng của dân. Sử dụng thuế như thế nào để có hiệu quả mới là cái tốt. Quan trọng là thuế đó đóng đúng không, sử dụg như thế nào để không tham nhũng, lãng phí, sử dụng có hiệu quả mới là tốt”.

Ngày mai (13/09), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp./.