Nhận lời mời của Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, sáng nay (17/11), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn cấp cao đã rời Hà Nội lên đường tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 23 (gọi tắt là APEC 23) tổ chức tại Manila, Philippines, từ ngày 17 -19/11 để bàn về mục tiêu liên kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Đây cũng là dịp để Việt Nam đẩy mạnh triển khai hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đồng thời làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Việt Nam - Philippines và các đối tác khác trong khu vực.

apec_1_fayu.jpg
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tại Hội nghị cấp cao lần thứ 22 diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 11/2014

Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (gọi tắt là APEC) được thành lập năm 1989 theo sáng kiến của Australia. Từ 12 thành viên sáng lập, sau 3 lần mở rộng, đến nay APEC có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có 9 thành viên của nhóm G20 - Nhóm các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… chiếm 40% dân số thế giới, đóng góp hơn 55% GDP và 44% thương mại toàn cầu. Chính vì thế các thành viên APEC đều hết sức coi trọng hợp tác trong diễn đàn.

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 23 diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực năm 2015 tiếp tục chuyển biến nhanh và phức tạp, cạnh tranh, cọ xát giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt; Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm dơn dự báo, biến động tài chính-tiền tệ gia tăng. Vòng đàm phán Doha tiếp tục trì trệ… song xu thế liên kết kinh tế quốc tế vẫn là chủ đạo và phát triển mạnh mẽ.

Với vai trò là Diễn đàn liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi được coi là động lực tăng trưởng, nổi bật là việc hình thành các khuôn khổ mới như Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định kinh tế toàn diện ASEAN với 6 đối tác khu vực (RCEP), liên kết kinh tế Á-Âu...., APEC đã và đang góp phần tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực theo hướng đa tầng nấc, duy trì vai trò đầu tàu của châu Á - Thái Bình Dương trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Đối với Việt Nam, trong 17 năm kể từ khi gia nhập APEC, tháng 11/1998, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm của Diễn đàn. Điểm nhấn quan trọng trong tiến trình hội nhập đó là chúng ta đã đảm đương xuất sắc vai trò chủ nhà APEC 2006 và đang tích cực chuẩn bị đảm đương chủ nhà APEC 2017.

Từ năm 2006 tới nay, Việt Nam đã chủ động đề xuất và tham gia hơn 90 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế-kỹ thuật, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố, an ninh lương thực, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Việt Nam đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC như Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại và đầu tư năm 2006, Chủ tịch Ủy ban Quản lý ngân sách năm 2007, Chủ tịch Nhóm công tác về đối phó với tình trạng khẩn cấp nhiệm kỳ 2012-2013…

Đặc biệt, năm 2015, Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động quan trọng của APEC, trong đó có 10 hội thảo, đối thoại về hợp tác công tư trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; hệ thống cảng khô, quản lý năng lượng; tài chính cho năng lượng tái tạo; quản lý thiên tai dựa trên cộng đồng, nâng cao tính cạnh tranh của thị trường…

Với chủ đề “Phát triển kinh tế bao trùm, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”, Hội nghị cấp cao APEC năm nay tập trung vào 4 nội dung chính, đó là: Tăng trưởng bền vững, bao trùm; Liên kết kinh tế và hệ thống thương mại đa phương; Tăng cường tham gia của danh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; Cộng đồng bền vững và tự cường. Trong thời gian này cũng sẽ diễn ra Hội nghị của các Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 27 và cuộc đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo APEC với khoảng 800 doanh nghiệp hàng đầu khu vực.

Dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao APEC 23, tại Philippines, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định coi trọng mối quan hệ đối với Philippines và mang theo một thông điệp rõ ràng APEC là một trong những cơ chế khu vực quan trọng trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Chủ tịch nước cũng sẽ có bài phát biểu chính tại phiên "Chiến lược vì tăng trưởng, công bằng và tự cường" của Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC về "Tạo dựng tương lai tốt đẹp hơn, vững chắc và gắn kết hơn", đồng thời có các cuộc gặp gỡ song phương với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên.

Điều đó một lần nữa khẳng định APEC không chỉ là một diễn đàn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, an ninh mà còn là một kênh hiệu quả để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác và làm sâu sắc quan hệ song phương với các thành viên, trong đó có hầu hết là những đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam.

Với ý nghĩa quan trọng đó, cùng vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, Việt Nam luôn chủ động, tích cực hội nhập và sẽ tiếp tục sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên đóng góp vào thành công chung của Hội nghị cấp cao APEC 2015, vì một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng./.