Sáng 24/6, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc hội thảo quốc tế mang chủ đề “Năm APEC 2017: Hướng tới cộng đồng APEC năng động, tự cường và gắn kết”. Hội thảo do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Ban Thư ký Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) và Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tổ chức. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tới dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò đi đầu của APEC trong tự do hóa nền kinh tế toàn cầu, đồng thời khẳng định trong nhiều thập kỷ tới, APEC vẫn sẽ tiếp tục là một diễn đàn kinh tế đa phương không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đang định hình, ngày càng được tăng cường bởi lợi ích chung về duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác vì phát triển bền vững và thịnh vượng.
hoi_thao_apec_1_ekwa.jpg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội thảo

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Diễn đàn APEC luôn có tầm quan trọng chiến lược trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, thể hiện quyết tâm của Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Mặc dù đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2006, nhưng APEC 2017 sẽ diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có những thay đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt, đặt ra nhiều vấn đề mới, nhiều thách thức đối với APEC.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ ngành cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách thức phối hợp liên ngành, chuyển mạnh sang tư duy “chủ động đóng góp và tích cực đề xuất ý tưởng, sáng kiến”, thúc đẩy các quan tâm chung, ưu tiên chung, nỗ lực gia tăng các điểm đồng, hài hòa khác biệt.

“Các cơ quan, các Viện nghiên cứu, Trung tâm APEC Việt Nam…cần nắm bắt xu thế chung trên toàn cầu và khu vực, khẩn trương nghiên cứu sâu hơn các nội dung hợp tác của APEC, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến cụ thể cho APEC 2017. Đặc biệt cần chú trọng thúc đẩy các mục tiêu dài hạn mà APEC đã đồng thuận. Đề xuất các ý tưởng, sáng kiến thúc đẩy đóng góp của APEC trong các vấn đề toàn cầu, đảm bảo an ninh lương thực, nguồn nước, năng lượng, nông nghiệp bền vững, phát triển nguồn nhân lực…Nhân tố quyết định thành công là con người. Do đó, chúng ta sẽ phải chuẩn bị hết sức chu đáo về cơ sở vật chất lẫn nội dung, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, kỹ năng và tâm huyết”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Hội thảo “Năm APEC 2017: Hướng tới cộng đồng APEC năng động, tự cường và gắn kết”.

Đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên với quy mô lớn thu hút hơn 100 đại biểu trong và ngoài nước tham dự, đồng thời nằm trong chuỗi rất nhiều các sự kiện nhằm để chuẩn bị cho Năm APEC 2017 mà Việt Nam đăng cai tổ chức. Tại Hội thảo, các diễn giả đã tập trung thảo luận về những thách thức mà APEC đang phải đối mặt kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong đó có vấn đề an ninh, xu thế liên kết kinh tế đan xen nhiều mâu thuẫn phức tạp. 

Tuy nhiên, các diễn giả đều cho rằng, Châu Á - Thái Bình Dương sẽ vẫn tiếp tục là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu. Do đó, vị thế của APEC cần phải được củng cố, liên kết sâu rộng hơn, gắn với phát triển bền vững, tái cơ cấu, các vấn đề toàn cầu và các vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới. Các nền kinh tế thành viên tiếp tục coi trọng vai trò của Diễn đàn trong phát triển và chính sách đối ngoại.

Hội thảo nêu nhiều đề xuất, khuyến nghị cụ thể về các lĩnh vực, ưu tiên Việt Nam cần thúc đẩy trong hợp tác APEC năm 2017, nâng tầm đóng góp của các doanh nghiệp cũng như các biện pháp cần triển khai để tổ chức thành công Năm APEC 2017. Các diễn giả và đại biểu tin tưởng rằng, với 30 năm đổi mới và kinh nghiệm tổ chức thành công Năm APEC 2006, Việt Nam sẽ đảm nhận xuất sắc vai trò chủ nhà APEC 2017./.