Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại Philippines trong 2 ngày 18 và 19/11. Tại Hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo APEC sẽ tập trung thảo luận những giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế của APEC, đồng thời trao đổi những vấn đề nóng có tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của kinh tế toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm Hội nghị cấp cao APEC và sự tham dự của đoàn cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu.
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Ảnh: Bùi Hùng) |
PV: Xin Thứ trưởng cho biết nội dung và ý nghĩa của chủ đề APEC 2015 ở Philippines?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Chủ nhà Philippines đã chọn một chủ đề rất trúng cho năm APEC 2015, đó là phát triển đồng đều và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, trong đó bạn chọn ra 4 ưu tiên: Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực; Tận dụng và phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để phát triển trong một thế giới đầy năng động như hiện nay; Tăng cường giao lưu giữa các nền kinh tế thành viên.
Trên cơ sở nội dung và chủ đề đó, APEC trong thời gian qua đã trở thành một đầu tàu để thúc đẩy tự do hóa thương mại đầu tư cũng như liên kết khu vực. Do đó, với chủ đề và ưu tiên như thế, phù hợp với mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, tôi tin rằng năm APEC 2015 này tại Philippines sẽ đề cao hơn nữa vai trò của APEC với tư cách là một đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng khu vưc và liên kết kinh tế khu vực, đồng thời hỗ trợ các nền kinh tế thành viên đạt được mục tiêu nâng cao trình độ phát triển và hợp tác trong khu vực.
PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vị thế và đóng góp của Việt Nam đối với sự phát triển và hoạt động của APEC?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Việt Nam tham gia APEC từ năm 1998 và đến năm 2006 đã chính thức đăng cai Hội nghị cấp cao đầu tiên của APEC. Đây chính là đóng góp đầu tiên lớn nhất của Việt Nam. Chính trong hội nghị cấp cao đó, Việt Nam đã đưa ra sáng kiến và lập ra chương trình hành động thực tiễn Bogo đến năm 2020. Cho đến nay các nước thành viên APEC đang thực hiện và hoàn tất chương tình hành động đó. Tôi cho rằng đó là ý nghĩa lớn nhất và quan trọng nhất.
Thứ hai là, trong suốt thời gian tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp khoảng 90 sáng kiến trong tất cả các lĩnh vực từ tạo thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, tăng cường liên kết khu vực, kết nối khu vực, cơ sở hạ tầng và chống rủi to thiên tai... Hiện chúng ta từng bước và tham gia trên 10 nhóm chủ tịch, đoàn chủ tịch hoặc đồng chủ tịch của các nhóm công tác chuyên ngành trong APEC. Đây cũng là đóng góp rất lớn của Việt Nam trong APEC.
Thứ ba và là lớn nhất, chúng ta đã vận động và các nước thành viên cũng ủng hộ rất cao việc Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2017. Đây chính là sự động viên và ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với đóng góp của Việt Nam trong thời gian qua, cũng như thắng lợi của APEC 2006.
Hiện nay với vị thế mới của Việt Nam là một điểm sáng về phát triển kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới, những đóng góp của Việt Nam sẽ tạo ra một vị thế mới cho mình khi đăng cai APEC 2017 và thành công của APEC 2017 sẽ là một đóng góp lớn nữa của Việt Nam trong tiến trình phát triển APEC thời gian tới.
PV: Việc tham gia các hội nghị APEC 2015 sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với sự chuẩn bị của Việt Nam cho APEC 2017, thưa ông?
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Sự tham gia của đoàn Việt Nam trong năm nay đặt 3 ưu tiên lớn. Một là lãnh đạo cấp cao Việt Nam và trực tiếp là Chủ tịch nước sẽ tham gia các phiên họp chính tập trung vào các chủ đề về tăng cường liên kết và xây dựng một cộng đồng tích cực tại khu vực; đồng thời Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương của chúng ta sẽ tham gia hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao và kinh tế của các nền kinh tế thành viên. Chủ tịch nước cũng sẽ cùng với lãnh đạo cấp cao khác của các nền kinh tế APEC tham dự một diễn đàn của các nhà lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Châu Á - Thái Bình Dương và hiện nay có khoảng 800 tập đoàn như vậy sẽ tham gia hội nghị.
Trên tinh thần đó, tôi nghĩ việc tham dự các cuộc họp đó, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam ngoài học tập chia sẻ kinh nghiệm với các nước về công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; với nền tảng đó, cùng với chủ đề và ưu tiên của năm APEC 2015 của Philippines, tới đây là năm 2016 tại Peru, chúng ta cần xác định ngay từ bay giờ những nội dung và ưu tiên của Việt Nam cùng với xu thế chung của hội nghị và đặc biệt là đóng góp vào thành công của năm APEC 2015 tại Philippines. Đây cũng chính là nền tảng để chúng ta thúc đẩy những ưu tiên và hợp tác trong APEC năm 2017 tại Việt Nam.
Đồng thời qua hội nghị lần này chúng ta cũng học tập và chia sẽ kinh nghiệm với các bạn về công tác tổ chức công tác lễ tân hậu cần và các công tác khác để chuẩn bị tốt nhất cho hội nghị APEC 2017 ở Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.