Nhận lời mời của Chủ tịch sáng lập và điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, từ ngày 22 - 25/1/2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, nhân dịp tham dự và chủ trì Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) tại Việt Nam. |
Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Davos 2019 nhằm đánh giá tác động, triển vọng và thảo luận việc hợp tác, đối thoại để xử lý các vấn đề địa chính trị; đánh giá, thúc đẩy cải cách các khuôn khổ thể chế toàn cầu hiện nay để thích ứng với bối cảnh mới về chính trị, kinh tế và xã hội; định hình các quy định, khuôn khổ thể chế mới nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong các lĩnh vực…
Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ đánh giá tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế, đánh giá sự thay đổi mạnh mẽ về lao động, việc làm và thúc đẩy tư duy hệ thống nhằm cải thiện căn bản việc quản lý toàn diện môi trường sinh thái.
Kể từ khi tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào năm 1989, quan hệ giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới phát triển nhanh chóng trên nhiều mặt. Sau 30 năm tham gia WEF, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã trở thành diễn đàn đối thoại quan trọng của Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới, mang lại cho Việt Nam các cơ hội đầu tư và phát triển.
Các cuộc tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam với các đồng cấp của các nước trên thế giới cũng như lãnh đạo các tập đoàn, tổ hợp kinh tế toàn cầu, là cơ hội cho những trao đổi về phương hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam, từ đó giúp xây dựng đường lối, chính sách phát triển cho Việt Nam.
Đáng chú ý, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Philipp Roesler đã tới thăm Việt Nam trong 3 năm liên tiếp 2014, 2015 và 2016. Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos và Đông Á, mở đường cho sự phát triển mối quan hệ giữa hai bên.
Tháng 1/2017, bên lề Hội nghị WEF Davos, Việt Nam và WEF đã ký Thỏa thuận hợp tác về “Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai”, hiện đang tích cực triển khai thỏa thuận này. Việt Nam và WEF cũng đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị của WEF ở khu vực, mới nhất việc Việt Nam tổ chức Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) thành công tại Hà Nội đã ghi dấu ấn đậm nét đối với cộng đồng quốc tế.
Đánh giá về kết quả hội nghị WEF ASEAN 2018, Chủ tịch sáng lập WEF cho rằng đây là hội nghị thành công nhất trong 27 năm qua tại khu vực.
Chính vì thế, việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới WEF Davos 2019 sẽ quảng bá thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam; truyền tải thông điệp về đường lối, chính sách, biện pháp lớn của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Đây cũng là cơ hội Việt Nam giới thiệu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là việc triển khai các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết và đang đàm phán, trong đó có Hiệp định CTTPP và sắp tới là Hiệp định EVFTA.
Trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos 2019, Việt Nam và WEF dự kiến sẽ ký kết Thỏa thuận hợp tác xây dựng Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và Ý định thư về hợp tác trong vấn đề rác thải nhựa.
Việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự WEF Davos 2019 cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam các đối tác, tập đoàn hàng đầu thế giới. Qua đó, góp phần củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2019./.
WEF-ASEAN 2018 và dấu ấn Việt Nam