Để Liên Hợp Quốc hoạt động hiệu quả cần sự cải cách, hợp tác mạnh mẽ, đoàn kết từ chính các quốc gia thành viên. Và trong khối thống nhất đó, Việt Nam đang nổi lên là một trong những quốc gia đi đầu trong nỗ lực đổi mới, đóng góp hiệu quả vào các cơ chế hoạt động của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này. Đây là chia sẻ của Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam - ông Kamal Malhotra trong cuộc trò chuyện với PV Đài TNVN nhân dịp Liên Hợp Quốc tròn 75 năm tuổi.

PV: Năm 2020 đánh dấu hành trình 75 năm của Liên Hợp Quốc hướng tới hòa bình và phát triển. Vậy xin ông điểm qua những kết quả đã đạt được của Liên Hợp Quốc trong việc thể hiện rõ vai trò là cầu nối cho hòa bình và phát triển bền vững của người dân thế giới?

Ông Kamal Malhotra: Liên Hợp Quốc đã đạt được rất nhiều thành tựu trong 75 năm qua. Hôm nay tôi sẽ đề cập những thành tựu mà theo tôi là nổi bật nhất.

Liên Hợp Quốc được tạo ra từ tro tàn của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ 2, với mục tiêu chính là ngăn chặn chiến tranh. Vì vậy thành tựu đầu tiên phải kể đến của Liên Hợp Quốc đó chính là thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.

Đây cũng là cách để đạt được thành tựu lớn thứ 2 là phi thực dân hóa. Khi Liên Hợp Quốc được thành lập, phần lớn các nước đều là thuộc địa của các quốc gia khác. Tuy nhiên dưới sự thúc đẩy của Liên Hợp Quốc, có thể gần như toàn bộ các quốc gia trên thế giới đã được giải phóng khỏi chế độ thực dân và trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc.

Thành tựu thứ 3 là về vấn đề phát triển. Thế giới ngày nay đã bớt nghèo hơn, lành mạnh hơn và có trình độ giáo dục tốt hơn. Vì vậy, trên bất kỳ tiêu chí phát triển nào của Liên Hợp Quốc, thế giới ngày nay là một nơi tốt đẹp hơn nhiều so với 75 năm trước.

Và điều này không thể thiếu sự đóng góp của Liên Hợp Quốc, đó là việc thúc đẩy tôn trọng các quy tắc của luật pháp quốc tế, kể cả trong những vấn đề về quyền con người hay việc thực hiện các công ước khác. Vì vậy, đây là thành tựu thứ tư.

Thứ năm là về quản trị toàn cầu. Trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa, bạn cần một tổ chức đa phương hợp pháp có thể quản lý toàn cầu hóa ở tất cả các khía cạnh. Tôi tin rằng Liên Hợp Quốc tiến đến gần tiêu chí nhất của một tổ chức như vậy.

Thứ sáu, mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều đã có tiếng nói trên thế giới và thành tựu  thứ bảy, Liên Hợp Quốc là minh chứng rõ nhất về sự đa dạng, đa dạng văn hóa, đa dạng chủng tộc.

Và còn rất nhiều thành tựu nữa, nhưng tôi chỉ xin đề cập tới 7 thành tựu chính kể trên.

PV: Bên cạnh các thành tựu nhưng cũng có nhiều lời kêu gọi Liên Hợp Quốc cần phải cải tổ trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức được đánh giá là chưa từng có. Theo ông, những cải tổ nào cần phải được thực hiện để tổ chức này hoạt động hiệu quả hơn?

Ông Kamal Malhotra: Mọi người cần phải hiểu rõ chức năng của Liên Hợp Quốc. Trái tim của Liên Hợp Quốc chính là các quốc gia thành viên và Liên Hợp Quốc chỉ có thể làm những gì mà các quốc gia thành viên cho phép. Vì vậy, cải cách lớn nhất của Liên Hợp Quốc là cải cách được thực hiện từ chính các quốc gia thành viên và từ đó sẽ dẫn tới những cải cách của Liên Hợp Quốc. Để trả lời cho câu hỏi của bạn, tôi sẽ nói rằng, tất nhiên Ban Thư ký Liên Hợp Quốc có xem xét vấn đề cần cải cách, nhưng cải cách lớn nhất là phải từ các quốc gia thành viên và những cam kết mạnh mẽ của họ đối với hợp tác quốc tế, đoàn kết và để không đặt lợi ích quốc gia của mình lên trên hết trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

PV:Như ông đề cập Liên Hợp Quốc cần sự thay đổi và trước tiên đó là sự cải cách từ chính các quốc gia thành viên, với một tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và đặt lợi ích toàn cầu lên trước tiên. Vậy ông đánh giá thế nào về vai trò và đóng góp của Việt Nam là một quốc gia thành viên?

Ông Kamal Malhotra: Tôi cho rằng đóng góp quan trọng nhất của Việt Nam là Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương và thượng tôn luật pháp quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng vào thời điểm hiện nay. Cùng với đó, Việt Nam đã đóng góp vào sự phát triển của Liên Hợp Quốc theo nhiều cách khác. Việt Nam đang ngày càng đóng góp lớn vào công cuộc gìn giữ hòa bình toàn cầu. Có thể nói Việt Nam đóng vai trò đi đầu trong công cuộc đổi mới của Liên Hợp Quốc ở cấp độ quốc gia. Ngôi nhà xanh của Liên Hợp Quốc này là một trong những ví dụ điển hình về việc tất cả các cơ quan của Liên Hợp Quốc đang làm việc cùng nhau. Và Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho điều đó. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên hoàn thành hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Tất cả những điều này đều là những đóng góp quan trọng của Việt Nam.

Trong giai đoạn nhiều thách thức như hiện nay, tôi nghĩ ưu tiên hàng đầu là khẳng định lại tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, đoàn kết và chủ nghĩa đa phương. Ngoài ra các nước cần phải hợp tác để  đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam là nước có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc. Việt Nam cũng có đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ hòa bình toàn cầu thông qua các hoạt động gìn giữ hòa bình. Do đó cả Liên Hợp Quốc và Việt Nam sẽ cần tiếp tục ủng hộ và hợp tác những lĩnh vực này trong thời gian tới để thực hiện các ưu tiên đề ra. 

PV: Thông điệp mà Liên Hợp Quốc muốn nói tới vào thời điểm tròn 75 năm tuổi là gì, thưa ông?

Ông Kamal Malhotra: Thông điệp mạnh mẽ nhất vào thời điểm hiện nay đó là “Chúng tôi muốn mọi người nói với chúng tôi về tương lai mà họ muốn. Họ muốn tương lai như thế nào và họ muốn thấy vai trò nào đối với Liên Hợp Quốc trong tương lai? Tuy nhiên chúng tôi luôn tin rằng trong bối cảnh hiện nay, vai trò của Liên Hợp Quốc càng quan trọng hơn bao giờ hết. Đại dịch và khủng hoảng Covid-19 đã cho thấy rằng ngay cả quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới cũng cần hợp tác quốc tế. Vì vậy tổ chức đa phương hợp pháp và bao trùm duy nhất trên thế giới là Liên Hợp Quốc. Vì vậy Liên Hợp Quốc cần được củng cố, chứ không phải là làm suy yếu. Rõ ràng Liên Hợp Quốc vẫn cần cải tổ. Nhưng như tôi đã nói, cuộc cải tổ lớn của Liên Hợp Quốc phải diễn ra ở cấp quốc gia thành viên và giúp Liên Hợp Quốc đối phó hiệu quả với các thách thức mới.

PV:Vâng xin cảm ơn ông./.