Sau khi gia nhập Liên hợp quốc vào năm 1977, Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ tổ chức lớn nhất hành tinh này. Liên hợp quốc đã giúp đỡ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội, xây dựng đất nước từ một quốc gia nghèo đói sau chiến tranh trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Liên Hợp Quốc trở thành diễn đàn để Việt Nam triển khai các yêu cầu của chính sách đối ngoại, đồng thời ngày càng có những đóng góp tích cực vào công việc chung của thế giới.

Terence Jones đến Việt Nam vào năm 1983 với cương vị là Phó đại diện của UNDP tại Hà Nội. Ông nhớ rất rõ đó là thời điểm khó khăn đối với Việt Nam khi đang phải vật lộn với quá trình phục hồi sau chiến tranh. Không chỉ là người biết về các dự án của UNDP với Việt Nam kể từ năm 1977, mà may mắn Terence lại cũng chính là người tham gia vào các dự án đó sau khi tới Hà Nội.

"Những dự án đó vẫn tiếp tục khi tôi đến Hà Nội. Vì thế tôi hiểu khá rõ về 10 năm đầu trong lịch sử hợp tác giữa UNDP và Chính phủ Việt Nam. Trong 10 năm đầu tiên, chương trình của Liên Hợp Quốc tập trung vào việc giúp Chính phủ Việt Nam thiết lập và tái thiết những thiết chế để hỗ trợ phát triển trong các lĩnh vực như nghiên cứu nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y, xây dựng. Các chương trình của Liên Hợp Quốc nhằm gây dựng nền tảng cho việc phát triển kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa"- Ông Terence Jones cho hay. 

Ông cũng là nhân chứng về công cuộc đổi mới của Việt Nam sau năm 1986. Theo ông, đây là giai đoạn Việt Nam nhận được sự trợ giúp rất lớn từ Liên Hợp Quốc để đổi mới tư duy, phương thức quản lý và điều hành nền kinh tế nhưng cũng là khoảng thời gian khó khăn cho người dân và Chính phủ Việt Nam để đáp ứng các nhu cầu về giáo dục, y tế, lương thực. Các chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đã khiến cho sự hỗ trợ của thế giới đối với Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Nhớ về thời điểm đó, ông Kamal Malhotra  - Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi không có đủ nguồn lực để giải quyết tất cả các thách thức tại một đất nước vừa trải qua một thời gian dài chiến tranh. Một trong những thách thức là chúng tôi không thể mời những người giỏi nhất của Liên Hợp Quốc đến Việt Nam. Trường UNIS đã được thành lập tại Việt Nam vào cuối những năm 1980 để giải quyết vấn đề đó. Ngoài ra còn có việc Việt Nam đang bị bao vây cấm vận nên việc đưa các thiết bị vào rất khó khăn. Khung pháp lý cũng chưa thực sự thuận lợi nhưng cải thiện điều này là nhờ một phần vai trò của Liên Hợp Quốc . Đó cũng là thách thức đối với chúng tôi."

Thời điểm sau chiến tranh, Liên Hợp Quốc là cơ quan quốc tế duy nhất viện trợ phát triển cho Việt Nam. Sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc đã giúp Việt Nam vượt qua được những thiếu thốn về kinh tế, chuẩn bị cho một kế hoạch đổi mới và phát triển sau này.

Bà Nguyễn Thị Hồi, nguyên Vụ trưởng Vụ tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao chia sẻ: "Từ 1977 đến 1979 là giai đoạn các tổ chức quốc tế của Liên Hợp Quốc viện trợ cho Việt Nam trên tất cả các mặt, tập trung vào việc khôi phục sau chiến tranh và viện trợ khẩn cấp, ví dụ như lương thực thực phẩm thuốc men các trang thiết bị cho nhà trường học sinh và những lĩnh vực khác của xã hội, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em".

Trong vòng 20 năm, kể từ năm 1977, Liên Hợp Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam số tiền lên tới hơn 1 tỷ 130 triệu USD. Có những giai đoạn, viện trợ của Liên Hợp Quốc chiếm tới 60% tổng số tiền viện trợ quốc tế dành cho Việt Nam. Không chỉ hỗ trợ về tài chính, Liên Hợp Quốc cũng giúp Chính phủ hoạch định các kế hoạch phát triển.

Ông Kamal Malhotra  - Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: "Liên Hợp Quốc tham vấn cho Chính phủ Việt Nam những kinh nghiệm phát triển của các nước khác cũng như tư vấn chính sách một cách trung lập. Tôi nghĩ rằng, trung lập là điểm rất quan trọng của Liên Hợp Quốc bởi nó sẽ giúp xây dựng lòng tin với bất kỳ một chính phủ nào. Liên Hợp Quốc thời điểm đó đã rất trung lập khi đưa những kinh nghiệm và thực tiễn của các nước khác vào Việt Nam. Liên Hợp Quốc đã giúp Việt Nam nhìn ra tính hiệu quả của các lựa chọn và tư vấn cho chính phủ Việt Nam thực hiện".

Trong vòng 20 năm trở lại đây, Liên Hợp Quốc luôn dành ưu tiên thúc đẩy cải cách, xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững tại Việt Nam. Điển hình là việc Việt Nam triển khai Chương trình 135 ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, lồng ghép với việc thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs). Liên Hợp Quốc đã cùng Việt Nam xây dựng Sáng kiến thống nhất hành động – Một Liên Hợp Quốc. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai thành công sáng kiến này và trở thành hình mẫu của Liên Hợp Quốc.

Sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên Liên Hợp Quốc cũng như về vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo. Tuy tổng số tiền viện trợ của Liên hợp quốc dành cho Việt Nam trong hơn 40 năm qua chỉ hơn 2 tỉ USD nhưng lại có ý nghĩa hết sức to lớn. Từ sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, Việt Nam đã từng bước xây dựng mô hình phát triển kinh tế với năng suất và sức cạnh tranh hơn trong bối cảnh động lực tăng trưởng đang chậm lại. Như cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã từng nói: “Việt Nam đang cho cả thế giới thấy bài học của việc vượt qua mất mát trong chiến tranh để hướng tới một hiện tại và một tương lai tốt đẹp”./.