Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết, đây là lần đầu tiên đoàn ĐBQH TP.HCM góp ý nội dung liên quan đến thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh. Đến hết tháng 7/2022, ban biên tập sẽ cố gắng hoàn thiện báo cáo để trình Ban Thường vụ Thành uỷ. Sau đó, TP.HCM sẽ làm việc với các cơ quan Trung ương, Quốc hội và trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm… Đoàn ĐBQH sẽ tiếp tục tham gia tích cực trong xây dựng dự thảo.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, sau buổi góp ý này, TP sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi góp ý, lấy ý kiến các nguyên lãnh đạo TP, các cơ quan TP, các chuyên gia, bộ ngành. Qua đó sẽ làm rõ các mặt được, chưa được, đánh giá cái gì nên kế thừa, cái gì nên thôi, cái gì nên bổ sung mới vào.

"Những cơ chế, vấn đề bổ sung mới vào phải góp phần giúp TP thực hiện đúng vai trò, vị trí, sứ mạng của đầu tàu và phải hết sức trọng tâm, là việc lớn, là những cơ chế đặc thù vượt trội"- ông Phan Văn Mãi nói.

Trước đó, góp ý tại hội nghị, các ĐBQH thuộc đoàn TP.HCM đã có nhiều ý kiến quan tâm đến vấn đề thu nhập của cán bộ và biên chế đáp ứng nhu cầu TP. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM cho rằng, sắp tới cần tiếp tục duy trì đề xuất thu nhập tăng thêm cho cán bộ bởi cán bộ tại TP này phải phục vụ số dân gấp 3,2 lần so với bình quân cả nước…

Các đại biểu cũng đặt vấn đề về việc phân bổ số lượng cán bộ công chức dựa trên dân số tại địa bàn và các tiêu chí khác, có thể đặt vấn đề theo hướng từ tổng số cán bộ công chức được phân bổ, tùy theo đặc thù mỗi đơn vị, địa phương thì TP có điều chỉnh sao cho phù hợp với khối lượng công việc…

Ngoài ra, các ĐBQH cũng đề nghị TP cần đánh giá rõ những cái đã làm hết trách nhiệm nhưng gặp vướng, đánh giá rõ tình hình bởi nếu không chuẩn bị kỹ thì khi xin nghị quyết mới sẽ khó vì các bộ, ngành đánh giá TP chưa làm hết Nghị quyết 54 đã thông qua mà lại đi xin nghị quyết mới…/.