Nhiều luật nhưng vẫn còn kẽ hở

Cùng với sự nghiêm minh trong xử lý cán bộ vi phạm, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế hướng tới mục tiêu “không thể tham nhũng, tiêu cực” cũng được đẩy mạnh trong thời gian qua.

Trong 10 năm, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành địa phương đã ban hành hàng ngàn văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng chống tham nhũng. Quy chế của Đảng, Nhà nước về quản lý kinh tế xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cơ bản đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, tạo hành lang pháp lý từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội. Cơ chế, chính sách còn những “kẽ hở”, “khoảng trống” khiến các đối tượng lợi dụng để tham nhũng.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2022 được Tổng Bí thư nhấn mạnh tại Phiên họp 21 của Ban chỉ đạo Trung ương đó là: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để "không thể tham nhũng"; cụ thể hoá, thể chế hoá đầy đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, bảo đảm thực chất, hiệu quả.

Ông Phạm Trọng Đạt – nguyên Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, giải pháp quan trọng nhất để “không thể tham nhũng” chính là xây dựng cho được hành lang pháp luật chặt chẽ, kín kẽ, không để tội phạm lợi dụng. Trong đó rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản công,…

“Chúng ta đã xây dựng được rất nhiều luật nhưng vẫn chưa đủ, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau trong các luật, vẫn còn nhiều sơ hở khiến những kẻ tham nhũng lợi dụng. Ví dụ tham nhũng trên lĩnh vực đất đai, hay trong công tác cán bộ hiện nay rất phức tạp, gây thiệt hại lớn về về tài sản, làm mất niềm tin của nhân dân” – ông Phạm Trọng Đạt nhấn mạnh cần phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, muốn chống tham nhũng thì phải có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đảm bảo thực chất, hiệu quả. Mặc dù hiện nay đã có quy định kiểm soát tài sản, thu nhập thông qua việc kê khai tài sản hàng năm nhưng vẫn mang tính chất phòng ngừa, cảnh báo là chính, chưa giúp được nhiều trong việc phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng. Chính vì vậy, nhiều đối tượng vẫn sẵn sàng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.

Ông dẫn chứng, ở nhiều nước trên thế giới, nếu cán bộ không chứng minh được tài sản, cũng như nguồn gốc khối tài sản thì cơ quan chức năng sẽ tịch thu ngay. Trong khi đó, luật pháp ở Việt Nam chưa thể áp dụng được vì còn nhiều quy định ràng buộc.

“Để quản lý tài sản của cán bộ, quan chức thì phải tiến hành mạnh mẽ việc kê khai tài sản, phải cụ thể hơn, mở rộng phạm vi và phải ràng buộc trách nhiệm của những người thuộc diện kê khai. Đã là quan chức thì phải chấp nhận việc kê khai tài sản của bản thân, gia đình, kể cả người thân thích và phải chịu sự giám sát của cơ quan chức năng. Bởi vì xét cho cùng quan chức mới có điều kiện tham nhũng, cán bộ nắm quyền càng cao thì càng có điều kiện tham nhũng, cho nên phải chấp nhận việc kê khai” – nguyên Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng nêu quan điểm.

Kiểm soát tài sản yếu thì khó chống tham nhũng

Ông Nguyễn Đình Quyền – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, cùng với việc hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, cần phải nhận diện hết các phương diện về kiểm soát quyền lực, từ đó mới có phương hướng, cách thức để hoàn thiện các thể chế đó.

Để phòng, chống được tham nhũng, cần phải có giải pháp mạnh về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn. Với những quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của luật hiện hành, người ta vẫn có thể lấy lý do “nuôi lợn, bán chổi đót nên mới có tiền xây biệt phủ hàng chục, hàng trăm tỷ”.

“Kiểm soát tài sản thu nhập là hạt nhân của phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Nếu khâu này yếu thì tất cả các khâu khác sẽ yếu theo” – ông Quyền nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Quyền, về mặt thể chế, hiện nay đã có quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc kê khai tài sản. Song các quy định về công khai bản kê khai tài sản, xác minh bản kê khai tài sản… tính hiệu lực, hiệu quả về kiểm soát tài sản vẫn rất thấp. Bởi vì trên thực tế, tài sản của những đối tượng phải kê khai, bằng cách này hay cách khác sẽ chuyển sang tài sản của đối tượng không bị kê khai. Đơn cử, tài sản của một Chủ tịch tỉnh chuyển sang tài sản của con họ là giám đốc một ngân hàng thì không ai kiểm soát được tài sản của con ông ấy, vì người này không thuộc diện phải kê khai.

Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng khuyến cáo các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cần phải hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, và hành vi không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng lên một cách bất thường của cán bộ, công chức. Ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, khuyến cáo này hiện nay chưa làm được. Vì vậy, cần có giải pháp mạnh về mặt thể chế, chính sách pháp luật, cần thiết ban hành “Luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội”, trong đó có tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn./.