Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021 của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM diễn ra chiều 17/12, các đại biểu nêu ý kiến: TP.HCM cần phải chuẩn bị việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và chuẩn bị các phương án cho việc thay thế hoặc kéo dài Nghị quyết này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đề nghị, trong năm 2022, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cần phải tập trung cho việc chuẩn bị Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Đây là công việc của UBND thành phố nhưng Đoàn phải gắn kết, có sự chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 54 bởi “cơ chế đặc thù cho TP.HCM thí điểm và hiện nay các địa phương lần lượt đi theo".

Dự kiến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sẽ tổng kết Nghị quyết 54 và ông Trần Hoàng Ngân gợi ý các phương án. Đó là TP.HCM cần chuẩn bị sẵn đề án thay thế Nghị quyết 54 hoặc xin kéo dài Nghị quyết 54 thêm 2 năm do ảnh hưởng của COVID-19 và bổ sung thêm một số nội dung. Hoặc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố có thể đặt hàng cho Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội để chuẩn bị xây dựng Luật Đô thị đặc biệt; nghiên cứu đặt hàng Hội Luật gia, Đoàn Luật sư TP.HCM nghiên cứu tư vấn cho TP chuẩn bị cho việc thay thế Nghị quyết 54.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, vừa qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đi giám sát việc hợp nhất các phường, thành phố Thủ Đức thì thấy vướng rất nhiều cơ chế, ngay cả vấn đề y tế cơ sở, định biên của các phường xã luôn luôn bị vướng nên phải tìm lối đi cho thành phố, một đô thị đặc biệt. Thành phố cần phải đề xuất với Quốc hội một cơ chế đặc thù mạnh hơn Nghị quyết 54.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói: "Chúng ta phải tìm ra một lối đi, với cơ chế cho thành phố, một đô thị đặc biệt. Qua công tác phòng chống dịch cũng nổi lên vấn đề nhân sự, tổ chức bộ máy ở cơ sở thì đây là cơ hội để chúng ta đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù mạnh hơn Nghị quyết 54"./.