Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, hiện tại các địa phương đang tiến hành việc chấm thi.

Tại Hòa Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, riêng khâu chấm thi, tỉnh Hòa Bình đã lựa chọn các địa điểm an toàn, bảo mật. Chấm thi trắc nghiệm và tự luận được phân ra thành hai khu biệt lập. Các phòng chấm thi và bảo quản bài thi đều có camera an ninh giám sát (không có kết nối internet) ghi hình toàn bộ hoạt động trong phòng. Sở GD-ĐT cũng đã bố trí bộ lưu điện dự phòng, dung lượng lưu trữ tối thiểu là 21 ngày cùng các thiết bị, máy móc đảm bảo an toàn, phòng chống cháy, nổ, lụt, bão.

Việc bố trí nhân sự tham gia các ban chấm thi và ban làm phách được Sở GD-ĐT lựa chọn đủ về số lượng, phù hợp với nhiệm vụ công việc, những người tham gia phải đảm bảo có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và đảm bảo các tiêu chuẩn điều kiện của quy chế thi. Các ban chấm thi, ban làm phách đều xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên của từng ban.

Ông Phan Văn Đức, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Thái Bình, cho biết, tại Thái Bình, số cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác chấm thi ở các khâu được bố trí đầy đủ với Ban làm phách 14 người, Ban chấm thi trắc nghiệm 23 người, Ban chấm thi tự luận 156 người.

Trong công tác chỉ đạo, tổ chức chấm bài thi tự luận, Sở GD-ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tham mưu với cấp có thẩm quyền, chuẩn bị đầy đủ và thực hiện nghiêm túc tất cả các khâu. Trong khâu bố trí làm phách, Ban Làm phách cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Đầu phách được đóng gói, niêm phong theo đúng quy định và bàn giao cho Ban Thư ký sau khi Ban chấm tự luận hoàn thành công tác chấm thi.

Địa điểm chấm thi tự luận được lắp đủ camera tại các phòng, công an bảo vệ 24 giờ/ngày trong suốt quá trình chấm thi đảm bảo đủ các quy định về an ninh, an toàn.

Đối với công tác chấm thi trắc nghiệm, địa điểm chấm thi có camera giám sát cả trong và hành lang. Bài thi được lưu giữ tại phòng chấm, đựng trong các hòm, được khoá và niêm phong sau mỗi buổi chấm, chìa khoá do Tổ trưởng tổ thư ký của Ban chấm giữ, cửa phòng được khóa và niêm phong

Còn theo Sở GD-ĐT Quảng Nam, năm nay, toàn tỉnh có 16.809 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT với 55 điểm thi và 823 phòng thi. Công tác làm phách bài thi được Hội đồng thi tỉnh Quảng Nam triển khai từ ngày 10-19/7, chấm thi trắc nghiệm từ ngày 9/7-21/7, chấm thi tự luận từ ngày 12/7-19/7. Ban làm phách bài thi gồm 18  người và lực lượng thanh tra, công an bảo vệ. Ban Chấm thi tự luận gồm 1 trưởng ban, 5 phó ban, 180 cán bộ chấm thi, 14 cán bộ chấm kiểm tra. Ban chấm thi trắc nghiệm gồm 1 trưởng ban, 4 phó ban, 27 cán bộ tham gia các tổ chấm, tổ thư ký và tổ giám sát.

Sở GD-ĐT Quảng Nam cũng đã ban hành Quyết định về việc thanh tra công tác chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, đoàn thanh tra gồm 12 thành viên, trong đó có 1 cán bộ thanh tra tỉnh được phân công nhiệm vụ thanh tra Ban chấm thi trắc nghiệm.

Nói về công tác chấm thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp, vừa được nhiều trường đại học sử dụng làm căn cứ xét tuyển. Để đảm bảo chấm đúng, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực, các thầy cô giáo làm công tác chấm thi phải gạt hết áp lực khác, xác định rõ ràng tinh thần vì học sinh và chỉ có một áp lực là làm sao chấm đúng cho học sinh.

Trong đó, Thứ trưởng nêu ví dụ cụ thể về nguyên tắc chấm tự luận 2 vòng độc lập, việc thống nhất điểm giữa hai người chấm, tổ chức chấm chung nghiêm túc…

“Sự chênh lệch giữa hai giám khảo cảng giảm, chất lượng chấm càng tốt. Sau khi công bố kết quả thi, càng ít thí sinh xin phúc khảo bài thi càng tốt vì số lượng xin phúc khảo cũng phản ánh chất lượng của khâu chấm thi”, Thứ trưởng Bộ GD-DT nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh cần tăng cường trách nhiệm chấm kiểm tra với ít nhất 5% số bài thi và quá trình làm đảm bảo có cơ chế giám sát lẫn nhau. Ngoài ra, cần lưu ý lựa chọn những bài điểm cao để chấm kiểm tra lại, qua đó, khẳng định những bài điểm cao là đúng với năng lực các em.

“Trong quá trình chấm thi, cái gì có lợi nhất cho thí sinh các thầy cô cố gắng làm, tránh làm mất điểm của thí sinh. Nếu chấm không chính xác sẽ mang lại thiệt thòi cho các em. Khi chấm thi hãy đặt địa vị mình là thí sinh sẽ buồn ra sao nếu bài thi của mình không được đánh giá công bằng, chính xác”, Thứ trưởng chia sẻ.

Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, Thứ trưởng cũng lưu ý các giáo viên làm công tác chấm thi cần cẩn trọng ở khâu cộng điểm để không cộng sót điểm trong bài thi của thí sinh. Giám khảo chấm thi cần bảo mật nội dung bài thi của thí sinh, không đưa nội dung bài làm, kết quả của thí sinh lên mạng xã hội để bình luận./.