Sáng 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cùng dự tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các Bí thư tỉnh ủy, Thành ủy; lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND, các, sở, ngành, cơ quan, Ban quản lý các khu công nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đầu tư công là 1 trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, kế hoạch đầu tư công là 500 ngàn tỷ đồng, song đến nay cả nước mới giải ngân đạt 47,38%. Như vậy nhiệm vụ những tháng cuối năm còn rất lớn.
Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm đánh giá kết quả, phân tích những gì đã làm được, chưa làm được; phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; từ đó đưa ra mục tiêu, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung trí tuệ, thảo luận nhằm thúc đẩy giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, với phương châm “đảm bảo tiến độ, chất lượng, song tăng cường giảm sát, kiểm tra để chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công”.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao một lần cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ cuối năm 2020 với tổng số vốn là 461.300 tỷ đồng (chiếm 96,6% kế hoạch đã được Quốc hội quyết định). Đến hết ngày 15/9/2021, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án là 404.976,159 tỷ đồng, đạt 87,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao từ đầu năm; số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 56.323,841 tỷ đồng, bằng 12,2% kế hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ, việc giải ngân vốn đầu tư chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan như: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, việc tránh thanh toán vốn nhiều lần, chờ thanh toán một lần của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn,…
Bên cạnh đó, việc chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ và kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự gắn với đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, HĐND, UBND các cấp; năm đầu tiên của một chu kỳ kế hoạch mới, với ưu tiên đầu tư công tập trung chủ yếu vào công tác chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tới.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về những nguyên nhân, nêu đề xuất, kiến nghị và phương án giải ngân vốn đầu tư công từ giờ đến hết năm 2021 đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt nhiều tỉnh đã chỉ rõ nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề giải phóng mặt bằng.
Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang kiến nghị: “Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn là những nguyên nhân chính làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án và tiến độ giải ngân các dự án, Bắc Giang đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo với Quốc hội sửa đổi quy định theo hướng cho phép các địa phương quyết định việc tách dự án giải phóng mặt bằng đối với tất cả các dự án, kể cả nhóm A nhóm B, nhóm C, để chủ động triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện.”
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: “Đối với Quảng Ninh khi mà bố trí sắp xếp các dự án thì cố gắng tách các dự án giải phóng mặt bằng ra thành một dự án riêng cho UBND các địa phương làm chủ đầu tư, điều này cũng gắn trách nhiệm của các địa phương đối với công tác giải phóng mặt bằng”
Là một tỉnh có số đơn vị hành chính cấp xã phường trong nhóm các tỉnh lớn nhất cả nước với nhiều hộ nghèo, và đồng bào dân tộc thiểu số đông, Bí Thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng kiến nghị: “Đối với địa phương thì hiện nay là một trong những tỉnh có số lượng xã, phường, đơn vị hành chính lớn của cả nước vẫn còn 6 huyện 30A với 1,1 triệu dân sống ở miền núi. Chúng tôi đề nghị Chính phủ nên sớm quyết định đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia về đồng bào dân tộc thiểu số, về chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình nông thôn mới để có cơ sở mà ban hành các nguyên tắc, các tiêu chí về giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 và các năm tiếp theo.”
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2021, tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp và ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện, Kết luận để điều hành kế hoạch đầu tư công. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định rõ định hướng, mục tiêu trong chỉ đạo, điều hành là "phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2021 đạt trên 95% kế hoạch, góp phần quan trọng vào việc phục hồi và phát triển nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19".
Công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được triển khai đồng bộ và đạt được một số kết quả tích cực. Giải ngân đến cuối tháng 9/2021 đạt trên 218 nghìn tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 56,33%) ; Có 04 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 60%; 46/50 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 60%; Nhiều dự án quan trọng quốc gia đang được triển khai đúng tiến độ, tỷ lệ giải ngân cao .
Thủ tướng khẳng định, đầu tư công là một nội dung quan trọng để hoàn thành mục tiêu phát triển KTXH năm 2021. Trong những tháng còn lại của năm 2021, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.
"Cái gì vướng mắc về mặt thể chế của Chính phủ, các cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này tập hợp, tổng hợp và trình để Chính phủ, để Chính phủ giải quyết, tinh thần nhanh nhất có thể, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Những cái gì vượt quá thẩm quyền chúng ta thì chúng ta phải chuẩn bị kỹ để trình cơ quan có thẩm quyền, cái gì thì cần phải trình Trung ương, cái gì cần trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin chủ trương, xin đường lối, cái gì phải trình với Quốc hội để Quốc hội thể chế hóa, đề nghị các đồng chí đánh giá tác động, phân tích kỹ lưỡng, nâng cao chất lượng, đặc biệt là phải nêu rõ lý do, vì sao đánh giá tác động, vì sao phải sửa, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội là phải nâng cao chất lượng xây dựng thể chế. Vừa qua thì Quốc hội rất đồng hành với chúng ta rồi, cần cái gì, đề xuất cái gì, Quốc hội cũng làm ngay. Vì vậy, tôi tin tưởng rằng, Quốc hội sẽ làm tốt hơn nữa, các đồng chí phải tin tưởng việc này, quan trọng nhất là khi chúng ta trình, báo cáo, đề xuất, phải có lý có tình, phải thuyết phục và tác động ảnh hưởng đến hiệu quả phải lớn, không ai từ chối cả.”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Về giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu, sớm hoàn thành việc giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, dự án khởi công mới. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình cấp có thẩm quyền phương án điều chỉnh, cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 của các bộ, ngành và địa phương đến ngày 30/9/2021 có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch để điều chuyển cho các dự án quan trọng, cấp bách. Bên cạnh đó cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết.
Thủ tướng yêu cầu: "Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đồng chí rà soát lại các thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, không gây phiền hà. Tôi đề nghị là bây giờ có trực tuyến rồi, như vừa rồi các đồng chí các bộ, các ngành đã làm việc trực tuyến với các địa phương, nên các địa phương không phải cầm hồ sơ lên trực tiếp nữa, còn hồ sơ giấy tờ gửi theo đường công văn cho thật nhanh, không phải chạy lên Trung ương, không phải chạy lên các bộ, ngành nữa, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm đi lại, tiết kiệm chi phí không gây phiền hà. Cái này chúng ta dứt khoát không thống nhất với quan điểm này. Các bộ, các ngành cũng thế, các thành viên Chính phủ cũng thế, địa phương cũng thế. Tôi đề nghị là tinh thần là trực tuyến, có cái gì chưa được trao đổi trực tuyến, ta tiết kiệm cho dân cho nước lúc này là rất cần thiết.”
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch, gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc và đánh giá. Kiểm soát chặt chẽ số dự án và thời gian bố trí vốn, bảo đảm hiệu quả, mục tiêu, tính liên tục trong đầu tư công. Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, lập kế hoạch giải ngân của từng dự án, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2021.
Các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính về xây dựng, tài nguyên, đất đai, quản lý, cấp phép khai thác đối với nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho các dự án đầu tư công, bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời.
Về vấn đề xin thí điểm tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư Thủ tướng nhấn mạnh: “Vấn đề thí điểm tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư cái này thì địa phương nào cũng đề nghị. Tôi đề nghị các Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, phối hợp cùng với Văn phòng Chính phủ, những gì mà chúng ta thấy nó còn cồng kềnh thì chúng ta đề xuất thí điểm, chúng ta đã thí điểm với dự án quốc gia rồi thì chúng ta đều phải tách cả và trên thực tế các địa phương, các đồng chí cũng làm cái này rồi. Đây là một bài toán thực tiễn đặt ra mà có hiệu quả thì chúng ta phải tổng kết nó, rồi đề xuất, trước hết chưa sửa được kịp thời trong kỳ họp này tôi đề nghị là chúng ta xin Quốc hội cho thí điểm, rồi chúng ta làm một vài năm, chúng ta tổng kết ra, cái gì đã chín đã rõ được thực tiễn chứng minh là đúng thì chúng ta luật hóa nó ra. Chúng ta làm, cái gì chưa chín, chưa rõ và thực tiễn đã vượt qua hoặc là chưa có trong quy định thì chúng ta mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần không cầu toàn không nóng vội.”
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch; Các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương; Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ theo quy định, đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Và công khai tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trên các phương tiện thông tin đại chúng minh bạch, kịp thời./.