Sáng nay (6/9), dưới sự chủ trì, điều hành của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 8/2021 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2021; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và các vấn đề quan trọng khác. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ; các Bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ; các Ủy ban của Quốc hội.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, phiên họp thường kỳ tháng 8 diễn ra sau khi chúng ta đã tổ chức Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; vừa tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và ảnh hưởng tới sản xuất công nghiệp, dịch vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; công tác đối ngoại được tăng cường.
Công tác phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục được tập trung. Trong đó tại 23 địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội ưu tiên phòng, chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu; tại 40 địa phương còn lại tùy tình hình ưu tiên linh hoạt giữa phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch.
Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo chuyển hướng trong phòng, chống dịch theo hướng kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân cấp. Trong đó tập trung chỉ đạo chuyên sâu và phân cấp thực hiện, với phương châm “mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài; mỗi người dân là một chiến sĩ; người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch”.
Theo đó, khi thực hiện giãn cách xã hội, các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”; Bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; Bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời; Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; Tuyên truyền, vận động để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”.
Thủ tướng biểu dương các Bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng trong phòng, chống dịch, nhất là các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp các đề xuất của các ngành, địa phương về kinh phí phục vụ phòng, chống dịch; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu bổ sung chính sách cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch; Bộ Giao thông vận tải xem xét quy định thống nhất, đảm bảo lưu thông hàng hóa, di chuyển con người cần có chỉ đạo thống nhất.
Thủ tướng đề nghị phải nhanh chóng kiểm soát tình hình để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giao các cơ quan, đơn vị liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch, kịch bản phát triển kinh tế trong điều kiện mới. Chính phủ tập trung thảo luận 6 nội dung quan trọng, các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, nghiên cứu phát biểu đóng góp ý kiến đánh giá đúng tình hình, phân tích tìm hiểu nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện trong tháng 9 hiệu quả cao hơn, làm tiền đề nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đề ra.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn đinh, lạm phát được kiểm soát. Thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì trong bối cảnh chịu tác động mạnh từ dịch bệnh, an ninh lương thực được bảo đảm. Dịch vụ công nghệ, dịch vụ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử có bước phát triển tích cực. Hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh được đẩy mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, 8 tháng qua, công tác an sinh xã hội đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Hợp tác quốc tế trong tiếp cận vaccine và thúc đẩy chuyển giao công nghệ vaccine Covid-19 được tăng cường. Tuy nhiên, tình hình kinh tế- xã hội tháng 8 tiếp tục cho thấy những khó khăn, thách thức không nhỏ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng bị ảnh hưởng nặng nề, giảm 33,7% so với cùng kỳ. Nhiều địa phương, đặc biệt là các địa phương có khu công nghiệp lớn, phải thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch Covid-19 nên không có đủ lực lượng lao động, hoặc phải chịu chi phí sản xuất cao để thực hiện các công đoạn cung ứng nguyên vật liệu, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Tại cuộc họp các thành viên chính phủ đã tập trung thảo luận về phát triển kinh tế xã hội, công tác phòng chống dịch và các nội dung quan trọng khác.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh, trong tháng 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, kịp thời xử lý hiệu quả các tình huống, vấn đề phát sinh, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh. Tinh thần vì dân, lắng nghe dân, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp ngày càng lan tỏa rộng hơn đến các cấp, các ngành, các địa phương.
Trong bối cảnh rất khó khăn do tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 bùng phát kéo dài trong hơn 4 tháng qua ở nhiều địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép”, cùng cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt khó và đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Về phòng, chống dịch COVID-19, với phương châm chỉ đạo là lấy mỗi xã, phường, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sỹ”; kết hợp linh hoạt, hài hòa, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp tổ chức thực hiện tại địa bàn gần dân nhất, sát dân nhất, cụ thể nhất và tiếp nhận, đáp ứng nhanh nhất các yêu cầu của người dân.
Về cơ bản đến nay chúng ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại các địa phương phía Nam sau khi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.
Đến nay, cả nước đã tiêm khoảng 22 triệu liều vaccine, 22 địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đã cơ bản đã kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh; trong đó Thành phố Hà Nội đã phân loại các quận, huyện theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp đối với từng vùng để sớm đưa Thủ đô về trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, công tác phòng, chống dịch ở một số địa phương còn những hạn chế, bất cập. Về cơ bản tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định về giãn cách xã hội; tổ chức thực hiện ở một số địa phương còn chưa nghiêm, thiếu sự kiểm tra, giám sát. Thực hiện “4 tại chỗ” một số nơi làm chưa tốt, chưa triệt để, nhất là về trang thiết bị, vật tư y tế; việc huy động và phân bổ các nguồn lực còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cần phải cố gắng hơn, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là Công điện số 1099 và 1102 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó:
Giãn cách xã hội là quyết định; thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu; vaccnie, thuốc điều trị là chiến lược; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng; Phương châm đặt ra là “bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”.
Đối với các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, thực hiện giãn cách nghiêm ngặt hơn, ưu tiên tiêm vaccine, điều trị hiệu quả để sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh, không để lây lan, giảm thiểu tử vong, bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc và bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến 15/9 cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo Nghị quyết 86/NQ-CP ở tất cả các địa phương.
"Chúng ta phải hy sinh nhiều lợi ích khi thực hiện giãn cách xã hội; các lực lượng và người dân đã và đang rất vất vả, khó khăn thì phải làm thật nghiêm, thật chặt để đạt mục tiêu, để sự vất vả, hy sinh này không vô nghĩa"- Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành, cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm một số vấn đề sau:
Bí thư cấp ủy các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Kiện toàn trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch do Chủ tịch UBND làm chỉ huy trưởng, có phân công, phân nhiệm rõ ràng, tổ chức ứng trực 24/24, đảm bảo tiếp nhận nhanh nhất, hỗ trợ kịp thời nhất cho nhân dân tại địa bàn. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Bảo đảm lưu thông lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và hàng hóa khác, không để ách tắc; thực hiện nghiêm nguyên tắc “1 cung đường 2 điểm đến” và an toàn dịch bệnh trong sản xuất kinh doanh.
Cung cấp đầy đủ, kịp thời thực phẩm tới tận tay người dân trong các khu vực cách ly, không để người dân bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm; Chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không để các đối tượng lợi dụng dịch bệnh gây bất ổn xã hội; Phát huy tối đa vai trò của hệ thống thông tin cơ sở, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể nhân dân và chuyên gia, nhà khoa học trong tuyên truyền, hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch, để cho dân biết, dân hiểu rõ, hiểu đúng và dân đồng lòng ủng hộ với tính thần chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
Về tình hình KT-XH, Thủ tướng yêu cầu: các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, đã đề ra trong đó lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
Bộ KHĐT xây dựng kịch bản phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong điều kiện đã tiêm vaccine bao phủ diện rộng. Điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác, giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, an sinh xã hội và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Khẩn trương xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; Có biện pháp phù hợp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu; Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh dịch bệnh sau khi được ban hành; tiếp tục nghiên cứu, sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh và các trung tâm kinh tế, vùng động lực tăng trưởng; Tập trung đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Về duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh không để đứt gãy chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất cung ứng Thủ tướng yêu cầu: Cần xây dựng tiêu chí về vùng an toàn; Tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ; Thí điểm thu hút khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc từ nay đến cuối năm; Duy trì, tạo thuận lợi và tổ chức tốt hệ thống cung ứng, phân phối, đặc biệt các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa lưu chuyển liên tỉnh, bảo đảm hiệu quả, an toàn.
Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, không có chỗ ở, không được hỗ trợ về y tế. Khơi dậy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, huy động sự tham gia của cộng đồng trong giải quyết các vấn đề xã hội, thúc đẩy hoạt động thiện nguyện, cứu trợ, hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 hiệu quả, thiết thực; yêu cầu các địa phương đẩy mạnh triển khai.
Triển khai, tổ chức năm học mới thích ứng với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với nâng cao chất lượng dạy và học. Sớm nghiên cứu việc miễn giảm học phí; có biện pháp ngăn chặn tình trạng thu gộp, thu cao hơn quy định, lạm thu gây bức xúc trong nhân dân, nhất là ở thời gian đầu năm học.
Đôn đốc chỉ đạo, đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp theo Chỉ thị 22/CT-TTg; Cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan, nguy hiểm phục vụ phòng, chống, khắc phục và giảm nhẹ thiên tai; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; Hoàn thiện, kiện toàn chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử trong bối cảnh dịch bệnh; Rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, nhất là các vụ việc bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương; Bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách, tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất. Tăng cường quản lý, kiểm soát, bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng.
Bảo đảm vững chắc quốc phòng; Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, trong đó có “ngoại giao vaccine”; thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước trên trường quốc tế; Tăng cường công tác truyền thông, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác; đặc biệt về phòng chống dịch COVID-19, phổ biến các kiến thức phòng, chống dịch. Chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân, kiến nghị của doanh nghiệp. Phát huy hơn nữa vai trò của hệ thống thông tin, truyền thông, nhất là mạng lưới thông tin cơ sở. Tăng cường quản lý; kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc, xử lý nghiêm các vi phạm.
Tại cuộc họp, các thành viên Chính phủ cũng cơ bản thống nhất nội dung trong tờ trình về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2022; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Cũng trong chiều nay, các thành viên chính phủ đã thảo luận về một số vấn đề về thể chế chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư kinh doanh và phát huy nguồn lực cho phát triển KTXH trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh COVID -19./.