Nhờ Chính phủ điện tử mà ngay trong hoàn cảnh giãn cách do dịch bệnh, các dịch vụ trực tuyến vẫn đến được với người dân, doanh nghiệp, duy trì được sự lãnh đạo của Chính phủ, tạo sự gắn kết xã hội.
Với việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức cao nhất, người dân chỉ cần ngồi nhà đăng ký dịch vụ, kết quả sẽ được trả tận nơi, không cần đến cơ quan chức năng. Điều này đem lại nhiều tiện ích, nhất là trong thời điểm dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc đông người.
Người dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi
Những ngày này, Hà Nội thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16. Mặc dù không có công dân đến giao dịch nhưng những cán bộ thuộc bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả quận Long Biên vẫn đang giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Đây đều là những hồ sơ được gửi đến thông qua hệ thống trực tuyến. Ông Bùi Dương, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Dân quận Long Biên cho biết: “Người dân có thể ngồi tại nhà, truy cập vào cổng dịch vụ công quốc gia để có thể thực hiện các thủ tục của mình, mà không cần phải đến cơ quan nhà nước. Đặc biệt là rất nhiều các thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4, tức là người dân có thể nhận kết quả, trả kết quả tại nhà. Vì vậy mà việc triển khai, giải quyết thủ tục hành chính hiện nay vẫn diễn ra bình thường”.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hạn chế tiếp xúc thì thanh toán trực tuyến cũng như thực hiện các dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công không chỉ mang lại tiện ích cho người dân mà còn góp phần phòng, chống dịch bệnh.
Trong đó, những dịch vụ liên quan đến hoạt động của người dân như: Nộp phạt vi phạm hành chính, thanh toán tiền điện, tiền viện phí có số lượng người sử dụng nhiều nhất. Chị Hoàng Lê Anh, kế toán một công ty Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi chỉ cần đăng nhập địa chỉ duy nhất và thao tác tiện lợi trên cổng đó. Thêm nữa chỉ cần ngồi tại công ty, chúng tôi có thể nộp trực tuyến được”.
Hiệu quả mà dịch vụ công trực tuyến mang lại chính là lợi ích “5 K”: Không tiếp xúc khi thực hiện thủ tục; không cần đến cơ quan hành chính nhà nước; không chứng từ giấy và không giới hạn bởi khung giờ hành chính hay địa điểm thực hiện.
Mới đây nhất, để kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp làm thủ tục xác nhận tham gia bảo hiểm xã hội để nhận hỗ trợ từ gói an sinh lần 2 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã áp dụng 6 dịch vụ công trực tuyến.
Theo đó, người lao động và doanh nghiệp có thể ngồi nhà thực hiện các thủ tục nhận hỗ trợ mà không phải đến cơ quan bảo hiểm xã hội.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: “Những dịch vụ công trực tuyến đảm bảo sự minh bạch; nhận được sự phản hồi tích cực của cả doanh nghiệp, kể cả người lao động. Đồng thời người dân cũng ghi nhận: từ lúc gửi giấy phép thì chỉ tối đa đạt trong ngày là nhận được kết quả, rất tích cực.”
Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ở cả 4 cấp chính quyền không chỉ mang lại các lợi ích thiết thực với người dân doanh nghiệp, mà còn hỗ trợ các cơ quan nhà nước theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị. Điều này góp phần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động phòng chống dịch.
Hướng đến top 30 các nước dẫn đầu về phát triển Chính phủ điện tử
Việc ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết hồ sơ trên nền điện tử đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai từ nhiều năm nay với mục tiêu thực hiện thành công chính quyền điện tử, Chính phủ điện tử, tiến tới chính quyền số và Chính phủ số.
Đánh giá về những thành tựu trong xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17 về những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ đã tiến hành các bước tiến mạnh mẽ. Chúng ta đạt được những tiến bộ khá đồng bộ trong hệ thống Chính phủ, từ dịch vụ công trực tuyến được đưa ra, cũng như việc phát triển hạ tầng và lan tỏa đến các ngành, các địa phương khác nhau.”
Ông Nguyễn Thanh Thảo, Trưởng phòng Chính Sách Ứng Dụng Công Nghệ Thông Tin, Cục Tin Học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Mức độ của Chính phủ điện tử được triển khai mạnh mẽ, nhờ đó đưa các hoạt động lên môi trường số, làm việc từ xa và sử dụng văn bản điện tử, điều hành trực tuyến. Thứ hai là thủ tục hành chính, cơ quan Nhà nước cung cấp trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, thay vì người dân và doanh nghiệp phải mất công đến trụ sở cơ quan nhà nước để thực hiện.”
Chính phủ điện tử hiểu một cách đơn giản là “4 không”: Họp không gặp mặt; Xử lý văn bản không giấy; Giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và Thanh toán không dùng tiền mặt.
Còn Chính phủ số là Chính phủ điện tử thêm “4 có”: Có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số; Có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng; Có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và Có khả năng kiến tạo, phát triển dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.
Vậy nên những kết quả đã đạt được trong xây dựng Chính phủ điện tử là tiền đề quan trọng tiến tới xây dựng Chính phủ số. Con đường đi tới mục tiêu đến năm 2025, định hướng 2030, Việt Nam vào top 30 Chính phủ điện tử, Chính phủ số kinh tế số còn rất nhiều việc phải làm.
Ông Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ Trưởng Vụ Cải Cách Hành Chính Bộ Nội vụ cho biết: “Thứ nhất là chúng ta phải tiếp tục quan tâm về hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, đặc biệt dữ liệu thông tin trong thời gian tới sẽ rất nhiều. Thứ hai, chúng ta tiếp tục quan tâm hơn nữa đến các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, để tạo thuận tiện cho người dân. Nội dung thứ ba đặc biệt quan trọng là đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Ví dụ như cơ sở dữ liệu của ngành Công an, của ngành Nội vụ, của Bảo hiểm y tế... Những cơ sở dữ liệu này liên quan đến việc tiếp dân và doanh nghiệp. Nếu được tập hợp đầy đủ, sau này gắn với câu chuyện thẻ căn cước công dân điện tử thì mọi tiến trình sẽ rất thuận tiện, dễ dàng”. –
Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Tất cả các cơ quan nhà nước sẽ cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần. Với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, nước ta sẽ đạt được mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2025 và thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030, theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc. Quan trọng hơn là người dân và doanh nghiệp được phục vụ hiệu quả trên nền tảng số này./.