Chiều 20/6, tại Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị giao ban với các tỉnh Tây Nguyên về tình hình phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên. Cùng dự hội nghị giao ban có Bộ trưởng Bộ Công An – Tô Lâm, Đoàn công tác của Chỉnh phủ và lãnh đạo chủ chốt các tỉnh Tây Nguyên.
Tuy nhiên, kinh tế Tây Nguyên vẫn có những điểm sáng như tăng trưởng kinh tế đạt 6%, tái cơ cấu nông nghiệp đang đúng hướng, đó là nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào những loại có giá trị cao như chè, cà phê, rau, cây ăn trái, hoa. Trong đó, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt, liên kết với nông dân, nhà khoa học.
Về chương trình xây dựng nông thôn mới, sau 5 năm triển khai, toàn vùng đã huy động được 90.000 tỷ đồng. Toàn vùng có 80 xã được cấp tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 1 huyện là Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Với thực tế địa bàn vùng còn nhiều hộ gia đình khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn lớn, 7,34%, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã chăm lo đời sống cho người dân, nhất là các gia đình đặc biệt khó khăn, hộ gia đình chính sách, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi để người dân sản xuất, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, đã chú ý đến người đồng bào dân tộc thiểu số, và hiện đang có gần 8.200 học sinh người dân tộc thiểu số theo học tại các trường Tây Nguyên.
Tuy vậy, cơ bản kinh tế xã hội Tây Nguyên còn khó khăn. Những thách thức đặt ra đối với Tây Nguyên hiện nay, đó là hệ thống thủy lợi không đáp ứng được yêu cầu sản xuất sinh hoạt khi hạn hán xảy ra, thiếu hồ chứa nước. Tỷ lệ hồ chứa hiện nay mới đáp ứng được 1/4 diện tích. Người dân khai thác nước ngầm cũng chỉ tưới thêm được 1/4 nữa, còn lại 50% diện tích phụ thuộc vào thiên nhiên.
Cùng với đó là rừng đang bị tàn phá, buôn lậu gỗ vùng biên khó kiểm soát, sản lượng và diện tích rừng sụt giảm. Cơ sở hạ tầng của vùng chưa đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới còn cao.
Trong khi đó, người dân di cư tự do vào Tây Nguyên khá lớn, trong vượt khỏi tầm đảm bảo công ăn việc làm và cơ sở hạ tầng của vùng, tác động không quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, nhất là lấn chiếm đất rừng, phá rừng, phát triển các loại cây công nghiệp tự phát, trong đó có cả những cây thế mạnh là cà phê.
Những năm qua, nguồn lực đầu tư cho Tây Nguyên rất lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhưng vẫn có tình trạng đầu tư phân tán. Cũng theo nhiều đại biểu tại Hội nghị, thế mạnh “trời cho” của vùng là đất đai màu mỡ lại chưa được khai thác hiệu quả. Tây Nguyên hiện cũng có khá nhiều sản phẩm cây công nghiệp, nhưng lại chưa thiết lập hệ thống phân phối hiệu quả; tỷ lệ doanh nghiệp còn ít.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Ngoài vấn đề về bảo vệ phát triển rừng đã được Thủ tướng kết luận sáng 20/6, đối với vấn đề nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, Thủ tướng nêu rõ: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, nhất là tình trạng El Nino trong thời gian vừa qua. Chúng ta phải suy nghĩ lại, từ điều tra cơ bản nguồn nước, lập các hồ chứa nước, những công trình phục vụ phát triển Tây Nguyên, nếu không chúng ta sẽ thất bại. Kể cả áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về tưới nhỏ giọt, tưới phun ở những vùng sản xuất tập trung. Lâm Đồng và một số vùng bước đầu đã làm được điều này”.
Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh Tây Nguyên quan tâm đến vấn đề đất đai gắn với sản xuất của người dân. Việc dân số Tây Nguyên tăng cơ học nhanh thời gian qua cũng tác động đến đất cho sản xuất. Thủ tướng cũng yêu cầu quan tâm đến đời sống tôn giáo, đoàn kết dân tộc ở địa phương. Bên cạnh đó là có cơ chế phát triển Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Cần có cơ chế chính sách để phát triển Tây Nguyên, cần tổng kết đề xuất giải pháp phù hợp, để Tây Nguyên phát triển. Một vấn đề lớn khác là nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, và Tây Nguyên hội nhập rõ nét vì nhiều sản phẩm xuất khẩu. Vấn đề là thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, để người dân Tây Nguyên giàu lên. Do cần có giải pháp chỉ đạo tốt hơn, và tinh thần là phải tự giàu lên từ chính mảnh đất của mình.
Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên phải đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp./.