Đầu giờ chiều nay (21/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Định về tình hình khắc phục hậu quả bão lũ.

k2_zubw.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Định về tình hình khắc phục hậu quả bão lũ.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết, trong tháng 11 và đầu tháng 12 này, địa bàn tỉnh xảy ra 5 đợt lũ lớn. Mưa lũ đã gây ngập lụt sâu trên toàn bộ 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Nhiều nơi ngập sâu từ 1 - 1,5m. Mưa lũ đã khiến 41 người chết và mất tích, 551 nhà bị sập hoàn toàn; gần 100.000 ngôi nhà bị ngập nước. Tổng giá trị thiệt hại 1.965 tỷ đồng. Trong đó, hạ tầng giao thông bị hư hỏng 128km đường; 110 cống tiêu và 44 cầu bị sập hoàn toàn gây ách tắc giao thông cục bộ.

Về đê điều, gần 87 km bị sạt lở nặng, có nguy cơ gây nguy hiểm đến đời sống người dân; hơn 2.250 ha lúa vụ mùa trong giai đoạn trổ chín bị ngập, ngã; 17.300 ha lúa Đông Xuân mới gieo bị hỏng hoàn toàn…

Lãnh đạo tỉnh Bình Định kiến nghị Thủ tướng và các Bộ, ngành xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi; hỗ trợ giống lúa để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân; hỗ trợ đời sống dân sinh và 3.000 tấn gạo để cứu trợ cho nhân dân thiệt hại sau lũ; miễn học phí học kỳ II cho học sinh cấp II, III trên địa bàn; hỗ trợ sách vở cho hơn 50.000 học sinh các cấp.

Tỉnh cũng đề nghị các Bộ hỗ trợ giống lúa, vaccine, thuốc chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thuốc và các vật tư y tế để phòng, chống dịch bệnh sau lũ, ưu tiên nguồn vốn ODA cho tỉnh để phục hồi, tái thiết hạ tầng, giao thông, thủy lợi; hỗ trợ cải tạo 14 hồ nguy cấp.

Để sớm khôi phục sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị tỉnh phải sử dụng các loại giống lúa thật ngắn ngày để đảm bảo kịp thời vụ; nhất trí với tỉnh là đề nghị Chính phủ hỗ trợ bằng tiền để tỉnh chủ động lo giống cho người dân, nhưng cần đảm bảo chất lượng giống.

Bên cạnh đó, tỉnh cần lưu ý diễn biến thời tiết bất thường, nhất là sắp tới có đợt mưa nữa. Bộ cam kết cấp đủ các loại thuốc và vaccine phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm sau lũ. Bộ đề nghị Thủ tướng chấp thuận để Bộ chủ trì chương trình nghiên cứu tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai tại vùng trọng điểm như Bình Định.

Về đề nghị miễn học phí của tỉnh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng đồng tình với đề nghị của tỉnh và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Bên cạnh đó, Bộ cho biết sẽ huy động sự hỗ trợ của các nhà xuất bản để giúp sách vở cho học sinh của tỉnh.

Thủ tướng đề nghị tỉnh Bình Định không để người dân “màn trời chiếu đất” lúc khó khăn này.

Kết luận buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi ân cần đến nhân dân 8 tỉnh miền Trung và tỉnh Gia Lai, đặc biệt là tỉnh Bình Định, chịu hậu quả nặng nề do mưa lũ gây ra. Thủ tướng chuyển lời chia buồn sâu sắc đến những mất mát, thiệt hại của người dân.

Thủ tướng biểu dương sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của lãnh đạo tỉnh Bình Định, Quân Khu 5, các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh, đã hỗ trợ cứu dân lúc hoạn nạn; đánh giá cao các Bộ, ngành nhiều lần về tỉnh Bình Định để hỗ trợ tỉnh khắc phục hậu quả mưa lũ.

Thủ tướng hoan nghênh các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân miền Trung lúc gặp hoạn nạn, thể hiện đạo lý của dân tộc ta.

Tuy vậy, thực tế thiệt hại do mưa lũ là nghiêm trọng, số người chết toàn khu vực miền Trung cao, lên đến 111 người, riêng Bình Định có 41 người chết. Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các tỉnh chịu thiệt hại mưa lũ và Bình Định: “Nhiệm vụ cấp bách trước mắt của tỉnh Bình Định và các cơ quan có liên quan, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ mất người trên địa bàn. Nhiều hộ dân đã mất mát rất nhiều và liên tục, nên không được để người dân cô đơn hưu quạnh mà không có các tổ chức chính trị- xã hội và mọi người quan tâm. Đây là việc thường hay làm, nhưng cần phát động một phong trào ở địa phương để làm việc này tốt hơn nữa”. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, nước rút đến đâu, chính quyền địa phương phải xử lý ngay môi trường đến đó, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân. Chính quyền địa phương có quyền huy động các lực lượng, yêu cầu công an, quân đội, thanh niên dọn vệ sinh môi trường, sớm đưa học sinh trở lại, nhưng đồng thời giữ môi trường tốt, tổ chức khám bệnh cho bà con. Đặc biệt, chính quyền địa phương dựng ngay nhà của người dân bị đổ nát, hỗ trợ cần thiết về tiền và nhân lực cho việc này.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi đi kiểm tra thấy nhiều nơi nước đã rút nhưng hiện trường cơ bản còn nguyên, tức mức độ tàn phá rất lớn. Do đó phải huy động lực lượng xử lý ngay. Lẽ ra hôm nay tỉnh phải huy động các lực lượng địa phương để giúp dân, nhưng thực tế vẫn thiếu vắng. Tôi đề nghị tỉnh ra một chỉ thị hay thông báo yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức liên quan hỗ trợ người dân những vùng trọng điểm thiệt hại, đừng để người dân “màn trời chiếu đất” lúc khó khăn này”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, nhất là khi có khả năng có đợt mưa mới; Lãnh đạo các Bộ, các cơ quan Trung ương phải có chương trình hướng dẫn ngành dọc, tổ chức khắc phục lũ lụt ở miền Trung và có chương trình hành động cụ thể, nhất là các Bộ Quốc phòng, Công an. Lãnh đạo các tỉnh và Bình Định phải hướng dẫn kỹ năng cho người dân phòng, chống lũ, giảm thiệt hại, nhất là về người.

Về biện pháp thời gian tới, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ xây dựng chương trình phòng, chống thiên tai ở miền Trung.

Tại buổi làm việc, Thủ tương đồng ý trước mắt cấp 80 tỷ đồng để tỉnh Bình Định sử dụng vào việc khắc phục khẩn cấp hậu quả mưa lũ; đồng ý hỗ trợ 2.000 tấn gạo cho tỉnh hỗ trợ đời sống người dân sau lũ và chăm lo Tết cho người dân. Đối với đề xuất miễn học phí cho một số đối tượng học sinh của tỉnh, Thủ tướng đồng ý về chủ trương và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất cụ thể./.