Sáng 26/8 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ Giáo dục - Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan nhằm đẩy nhanh Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2014-2017 đối với 4 trường đại học: Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại thương và Đại học Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Giao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học là một khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các ý kiến phát biểu đồng tình với quan điểm: Nhà nước trao quyền tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm một cách đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực và tài chính sẽ khuyến khích các trường chủ động khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực được giao nhằm đa dạng hóa các hoạt động đào tạo, phát triển cả số lượng và chất lượng dịch vụ giáo dục đại học. Ý kiến từ thực tiễn của một số trường đại học khuyến nghị phải có cơ chế rõ ràng để tự chủ về tài chính, tổ chức và nhân sự, đồng thời không nên quy định mức trần học phí; mở rộng quyền tự chủ về chuyên môn cho các trường; quy định rõ quy mô tuyển sinh khi tự chủ tài chính; thành lập các quỹ tín dụng hỗ trợ sinh viên với lãi suất ân hạn 6 năm; quy định rõ Hội đồng trường; giao quyền quyết định cho hiệu trưởng trong chi lương theo năng suất lao động và không nên quy định hiệu trưởng làm theo nhiệm kỳ…
Giáo sư, Tiến sỹ Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng nêu quan điểm về đầu tư xây dựng cơ bản đối với các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm: “Đối với những dự án đang dở dang thì Nhà nước tiếp tục đầu tư, còn những dự án kế tiếp một khi khi trường đã tự chủ quyết định tài chính, nhân sự thì Nhà nước không nên đầu tư nữa mà chỉ cần hỗ trợ lãi suất cho các trường vay vốn đầu tư. Từ năm 2008 đến nay, trường đại học Tôn Đức Thắng chỉ nhận hỗ trợ lãi suất từ nhà nước 37,5 tỷ đồng nhưng đến nay chúng tôi đã tạo lập tổng tài sản lên tới 1000 tỷ đồng. Do vậy cần thiết phải có sớm Quỹ phát triển giáo dục để hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho các trường…”.
Một số ý kiến cho rằng, cần rút ngắn thời gian thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với đảm bảo sự công bằng trong phát triển đào tạo đại học và cạnh tranh giữa trường công và trường tư; tăng cường giám sát độc lập, công khai quá trình tự chủ của các trường cũng như khuyến khích liên doanh, liên kết phát triển các loại hình dịch vụ đào tạo…
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến trực tiếp của một số trường đại học và các bộ, ngành, viện liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để thực sự là quốc sách hàng đầu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn liền với khoa học - công nghệ là một trong những khâu đột phá để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Tinh thần cuộc họp cho thấy, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học là đúng; chủ trương của Đảng, Nhà nước là đúng. Chúng ta đã có nhiều văn bản và trên thực tế đã thu được nhiều kết quả. Chúng ta khẳng định đúng và làm tiếp. Những ưu điểm tốt chúng ta khẳng định phát huy, còn khiếm khuyết vướng mắc thì bổ sung, tiếp tục hoàn thiện. Chỗ nào cũng phát biểu, cũng kêu ca thì không ra được mà phải hành động thiết thực, bắt tay vào làm những việc cụ thể, xử lý mâu thuẫn để thúc đẩy phát triển…”.
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu triển khai mạnh hơn và rộng hơn giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học, không chỉ tiết kiệm ngân sách nhà nước mà còn tạo nền tảng, tạo động lực và là khâu đột phá nâng cao chất lượng đào tạo đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng yêu cầu ngay trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 tới, Chính phủ sẽ thảo luận và ban hành Nghị quyết tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh triển khai Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với 4 trường đại học, nhất là liên quan đến mức học phí, mở chuyên ngành, sử dụng nguồn tài chính...
Thủ tướng nêu rõ, giao quyền tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm, mà trước hết là chấp hành đúng pháp luật, đúng điều lệ, đúng quy chế, quy định và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm đào tạo cũng như trong công tác quản lý nhà nước. Thủ tướng lưu ý cần làm rõ khả năng tự chủ trong từng lĩnh vực và đối với từng đơn vị gắn với phân định rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện; tăng cường công tác thanh kiểm tra quá trình chấp hành các quy định trong tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thủ tướng cũng yêu cầu phân cấp mạnh hơn cho các trường tự chủ tài chính trong đầu tư xây dựng cơ bản các dự án đã được phê duyệt bằng nguồn vốn ngân sách, còn từ nguồn vốn đầu tư của nhà trường thì phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Bộ Giáo dục-Đào tạo tổng kết sớm mô hình Hội đồng trường để thống nhất về thẩm quyền, cơ cấu và đảm bảo thực sự có quyền trong kiểm soát hoạt động…
Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế hỗ trợ tiền học phí cho sinh viên con người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh diện chính sách cũng như nghiên cứu điều chỉnh mức vay tín dụng ưu đãi cho sinh viên thuộc diện chính sách theo học tại các trường tự chủ tài chính…./.