Thực hiện Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, trong năm 2014, Bộ GD-ĐT sẽ giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ là căn cứ theo Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ về Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam có đề cập đến giao quyền tự chủ trong tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó là thực hiện theo Luật Giáo dục đại học chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2013. Mới đây nhất, Nghị quyết Trung ương 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng đề cập đến việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH.
Ngay sau khi có phát ngôn chính thức từ phía Bộ GD-ĐT, xuất hiện nhiều luồng ý kiến đóng góp khác nhau từ phía các cán bộ, chuyên gia giáo dục. Trong số hơn 400 các trường ĐH, CĐ thì có hơn 80 trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Quyết định giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ liệu có ảnh hưởng tới các trường ngoài công lập? Phóng viên VOV online phỏng vấn PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
Bắt đầu từ năm 2014, Bộ GD-ĐT giao cho các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh |
Trong các kỳ xét tuyển ĐH, CĐ những năm trước, Bộ GD-ĐT đưa ra mức điểm sàn để các trường lấy đó làm căn cứ xét tuyển. Tuy nhiên, điều này là phi thực tế vì học sinh miền núi có trình độ khác với học sinh ở các tỉnh, thành phố lớn; học sinh có năng lực học tập ở các môn khác nhau.
Quy định điểm sàn sẽ khiến các trường ĐH, CĐ ngoài công lập khó tuyển sinh khi chỉ tiêu tuyển sinh hầu như vào hết vào các trường công lập. Các trường ngoài công lập rất khó tuyển được người học.
Do đó, khi giao các trường ĐH, CĐ tự chủ trong tuyển sinh sẽ giúp cho các trường chọn lựa được học sinh phù hợp vào học các ngành nghề của trường, chứ không phải như hiện nay là một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập tuyển chọn học sinh vào học không đủ tiêu chuẩn, đủ khả năng.
Cần thay đổi ngay phương thức xét tuyển theo kết quả THPT
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ |
Tuy nhiên, tôi băn khoăn đối với phương thức xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thông qua kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT theo như lộ trình Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
Từ trước đến nay, chúng ta chưa đánh giá được chương trình, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như năng lực thực sự của học sinh một cách chính xác, khách quan, công bằng và trung thực. Vì vậy, chưa thể áp dụng phương thức lấy kết quả THPT của học sinh để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Theo tôi, trong phương thức xét tuyển, Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng thay đổi cách thức đánh giá chất lượng học tập của học sinh trong suốt quá trình học THPT và qua kỳ thi tốt nghiệp.
Việc đánh giá chương trình THPT phải chính xác, khách quan, bao quát được năng lực học tập thực chất của học sinh trong suốt 3 năm học, chứ không phải là thông qua 1 kỳ thi cuối cấp theo vài môn thi. Nếu thực hiện nghiêm túc đánh giá cấp THPT và kỳ thi tốt nghiệp thì chúng ta có thể lấy đó làm căn cứ để tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Nhiều người cho rằng, nếu để cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tự chủ tuyển sinh thì sẽ khó kiểm soát quy mô, chất lượng hoạt động. Điều đó là sai lầm vì hiện nay, người học rất khắt khe khi chọn lựa trường học phù hợp với bản thân. Thị trường lao động cũng rất nghiêm khắc trong tuyển dụng người có năng lực, trình độ thực sự đáp ứng được yêu cầu mà cơ quan, doanh nghiệp đang cần. Nếu trường ĐH, CĐ nào không đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu trên thì tự khắc sẽ bị đào thải và dẫn đến buộc phải đóng cửa.
Việc giao cho các trường ĐH, CĐ tự chủ tuyển sinh sẽ tạo bình đẳng giữa trường công lập và trường ngoài công lập. Điều này cũng phù hợp với Luật Giáo dục đại học và xu thế chung của nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.
Từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT luôn đưa ra nhiều tiêu chí đối với trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Trong đó có khống chế chỉ tiêu tuyển sinh. Theo tôi, thay vì khống chế chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào, Bộ GD-ĐT nên có biện pháp quản lý hoạt động và chất lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ.
Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ nên căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và năng lực tài chính thực chất của các trường để đào tạo ra nguồn nhân lực cho chất lượng cho xã hội.
Tự chủ phải gắn với trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị, cá nhân
Theo tôi, để quản lý hoạt động của các trường, Bộ GD-ĐT không nên ôm đồm quản lý nhiều trường ĐH, CĐ mà chỉ nên quản lý những trường trọng điểm, còn những trường còn lại nên thành trường ngoài công lập và để cho các Hội đồng quản trị của các trường ĐH, CĐ ngoài công quản lý, chịu toàn bộ trách nhiệm hoạt động. Việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phải gắn với trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân cụ thể, không thể chung chung. Trách nhiệm đó phải gắn bó mật thiết với quyền lợi của người học, vì nguồn nhân lực của quốc gia.
Ngoài ra, để thúc đẩy các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hoạt động hiệu quả hơn, Chính phủ cần tạo điều kiện cho các trường về quỹ đất, được vay tín dụng ngân hàng để xây dựng cơ sở vật chất…