Chiều nay (12/12), tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo, thông báo về Dự thảo Quy định về tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng. 

Điểm quan trọng nhất trong dự thảo này đó là sẽ chuyển giao toàn bộ việc tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng để các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong thanh tra, kiểm tra. Các trường lựa chọn 1 trong 3 phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển; xét tuyển và thi tuyển kết hợp với xét tuyển, sau đó xây dựng đề án tuyển sinh riêng và trình Bộ xem xét, xác nhận trước ngày 10/2/2014. Dự thảo cũng nêu rõ các tiêu chí của đề án tuyển sinh riêng và yêu cầu việc tuyển sinh riêng phải phù hợp với Luật giáo dục đại học và mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; không gây phức tạp cho xã hội và tốn kém cho thí sinh.

ga.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn duy trì kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng theo phương pháp “3 chung” trong vòng 3 năm tới, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, phương án này chỉ dành cho các trường chưa đủ điều kiện thực hiện tuyển sinh riêng.

Như vậy, trong năm tới, các trường đại học, cao đẳng có thể lựa chọn 3 phương án tuyển sinh gồm: tuyển sinh theo đề án riêng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận đáp ứng yêu cầu; Tham gia kỳ thi chung do Bộ tổ chức, hoặc thoả thuận với các trường có đề án tuyển sinh riêng đã được bộ xác nhận để tổ chức thi tuyển. Các trường tổ chức thi riêng có thể tự xác định môn thi, phương thức thi phù hợp với ngành nghề đào tạo. Tuy nhiên, các trường chỉ tổ chức tuyển sinh riêng tối đa 2 lần trong năm và thời gian tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định: "Bộ tạo mọi điều kiện có thể được cho các trường thực hiện tuyển sinh riêng. Bây giờ các trường có thể tự xác định môn thi, phương thức thi. Một trường có thể tuyển sinh riêng cho một số ngành, hoặc các trường có thể phối hợp với nhau, ví dụ các trường y phối hợp với nhau tổ chức thành một khối thi. Như vậy, thí sinh sẽ có rất nhiều cơ hội. Mục tiêu cuối cùng là phục vụ công tác đổi mới căn bản toàn diện về cách học, cách dạy ở bậc phổ thông"./.