Ngày 04/03, tại Hà Nội, Học viện Chính trị hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học; đại diện Hội đồng lý luận Trung ương, Thường trực Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu đã tập trung góp ý về Lời nói đầu, vai trò lãnh đạo của Đảng, chế độ chính trị, quyền con người và nghĩa vụ công dân.

Về Lời nói đầu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nhiều ý kiến cho rằng đã phản ánh được những tin thần cốt lõi và cao quý của Hiến pháp. Tuy nhiên Lời nói đầu chưa thực sự súc tích, còn dài, trùng lặp, chưa thể hiện sự hào hùng của Việt Nam với thế giới. Do vậy, Lời nói đầu trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần phải được biên tập lại cho súc tích hơn, khái quát hơn, làm nổi bật được tính mục đích của Hiến pháp và chủ thể chịu trách nhiệm thực hiện. PGS-TS Trương Thị Thông, Phó Giám đốc Học viện  Chính trị - Hành chính đề nghị: “Lời nói đầu có 5 đoạn, đoàn 1 và đoạn cuối “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử...” có nhiều trùng lặp, các ý nên gộp lại. Đoạn 2 “Từ năm 1930 dưới dự lãnh đạo của Đảng..” cũng nên viết gọn lại. Đoạn 3 “Qua các thời kỳ kháng chiến...” đề nghị viết lại vì trùng lặp với Hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992, đề nghị viết gọn lại và gộp Đoạn 2 và Đoạn 3 là một.”

Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là sự khẳng định đúng đắn. Tuy nhiên, một số ý kiến góp ý cụ thể về cách quy định của điều này. PGS -TS Ngô Huy Tiếp, Học viện Xây dựng Đảng cho rằng cần có một chương về Đảng bởi Đảng là hạt nhân của hệ thống chính trị. Chương này cần khẳng định quyền, trách nhiệm cơ bản của Đảng để cho tương xứng với vị trí vô cùng to lớn, quan trọng của Đảng.

“Điều 4 là cần thiết, khẳng định địa vị, vai trò lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, ghi như vậy chưa đủ, vì trong chương 1 có nói đến vai trò trách nhiệm của nhà nước trong đảm bảo quyền công dân, sau đó có một loạt chương ghi rõ các thể chế. Đảng là một hạt nhân của hệ thống chính trị nên cần có một chương. Trong đó khẳng định quyền, trách nhiệm cơ bản của Đảng để cho tương xứng với vị trí vô cùng to lớn, quan trọng của Đảng”. - PGS -TS Ngô Huy Tiếp nói.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Báo, Chánh thanh tra Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tán thành với tên gọi của Chương II “về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Tuy nhiên, bố cục của chương này chưa khoa học, chưa đảm bảo kỹ thuật lập Hiến, cần sửa để thống nhất về ngôn từ như cụm từ “mọi người” và “công dân” hay “chỗ ở” và “nơi ở”.

“Tại điều 17 Chương II, đề nghị gộp khoản 1 và khoản 2 thành một nội dung “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối sử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa- xã hội.” như thế là đủ. Điều 30 quy định công dân có quyền biểu quyết khi trưng cầu dân ý. Tuy nhiên chúng tôi thấy là nên gộp điều này với điều 30 cho logic hơn bởi vì thực tế là điều 30 cũng chính là cụ thể hóa một cách quan trọng nhất quyền tham gia vào quản lý nhà nước và xã hội của nhân dân mà thôi. Về ngôn ngữ, chúng tôi thấy một số thuật ngữ về mọi người và công dân ở trong dự thảo là chưa chuẩn”./.