lCuộc chiến đấu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Khmer Đỏ đã đi qua 40 năm. Nhưng những hình ảnh về đội quân “Nhà Phật” đến cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vẫn luôn trong tâm trí những người dân Campuchia.
Trong giai đoạn 1975 – 1978, chế độ Khmer Đỏ đã giết hại khoảng 2 triệu người dân (tương đương 25% dân số Campuchia năm 1975), tội ác của chúng càng thêm man rợ khi chúng giết hàng triệu người dân vô tội bằng các dụng cụ thô sơ như cuốc, mai, xẻng và lao động cưỡng bức. Khmer Đỏ được các học giả xem là một trong những chế độ tàn bạo nhất trong lịch sử thế kỷ 20.
Những người lĩnh tình nguyện và trẻ em Campuchia sau ngày đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. |
Vừa đàn áp người dân trong nước, chúng vừa tiến hành hàng loạt những cuộc xâm lấn biên giới Tây Nam nước ta, giết hại dân thường hết sức dã man. Đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, của nhân dân Campuchia, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cùng với các lực lượng vũ trang, nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, hồi sinh Vương quốc Campuchia.
Nhớ về quãng thời gian cách đây hơn 40 năm về trước, Đại tá Trương Xuân Quân, một cựu chiến binh Việt Nam tại chiến trường Campuchia cho biết: Những tháng ngày ở đất bạn Campuchia là những ngày khó quên và đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình.
Đại tá Trương Xuân Quân, ông Đào Văn Khanh và người bạn thăm Tượng đài hữu nghị Việt Nam - Campuchia (từ trái sang phải) |
Nhớ về ngày đầu mới sang chiến trường Campuchia, ông chia sẻ: “Nếu nói không lo thì không đúng. Nhưng mình được giáo dục, được nghe chuyện về Pol Pot diệt chủng, chiếm đánh biên giới. Rất nhiều người dân lành của mình ở Sa Mát, Tây Ninh, Châu Đốc bị chúng chặt đầu, bỏ xuống giếng, rồi đóng cọc từ trên xuống. Cho nên là một người lính, thì một là phải bảo vệ dân mình ở biên giới, hai là tiếp tục sự chỉ đạo của Bộ Chính trị là phải đánh đuổi bọn Pol Pot để cứu lấy dân tộc Campuchia.”
Với ông Đào Văn Khanh, một cựu chiến binh Việt Nam tại chiến trường Campuchia, người đã dành một quãng thời gian rất dài để sống và chiến đấu tại Campuchia cho biết: Sau nhiều lần hành quân, chứng kiến xác người dân Campuchia vô tội bị quân Pol Pot giết hại, vứt trên các cánh đồng, hồ nước rất dã man, nên dù gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam vẫn luôn quyết tâm quét sạch quân diệt chủng Khmer Đỏ.
Nhớ về những ngày về tiếp quản thủ đô Phnom Penh, ông Đào Văn Khanh chia sẻ: “ Có một cái kì lạ của chế độ Pol Pot là khi tôi sang thành phố này thì không hề có người, không còn lại cái gì cả. Thành phố không có dân, một thành phố chết. Một chế độ hết sức kỳ quặc, không mua bán, không gì cả.”
Anh Norng Chan Phal, một trong những người còn sống sót trong nhà tù Toul Sleng, là nơi được coi là “địa ngục của trần gian”, cho biết: Cả gia đình anh đã bị bắt và giết trong nhà tù Toul Sleng, chỉ còn anh và em trai sống sót đến ngày hôm nay là do được người lính bộ độ Việt Nam cứu.
Anh nhớ lại: “Bọn chúng kéo tóc mẹ tôi, tát liên tục, một người đứng phía sau đạp làm cho mẹ tôi bị ngã ra sàn, máu trên đầu, mặt mũi bà chảy ra. Thấy vậy, tôi và em trai khóc và chạy tới ôm lấy mẹ, nhưng khi ôm lấy mẹ thì bọn họ đi dép cao su làm bằng lốp xe ô tô đã đạp lên tay tôi, các ngón tay bị gãy và đứt hết gân. Máu trên tay tôi và máu của mẹ chảy đầy trên sàn nhà, họ hét chúng tôi phải dọn sạch, lúc đó mẹ tôi lấy khăn Kroma ra lau sàn. Quá sợ hãi, chúng tôi hỏi mẹ là bố ở đâu? Chúng ta mau về nhà đi? Mẹ khóc và vội lấy tay bịt chặt miệng chúng tôi và nói không được khóc nếu không sẽ bị bọn chúng đưa đi giết.”
Hai anh em Norng Chan Phal được những người lính tình nguyện Việt Nam cứu ra khỏi nhà tù. |
Sau khi lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, các chiến sỹ tình nguyện Việt Nam tiếp tục có nhiệm vụ ở lại để bảo vệ chính quyền Campuchia non trẻ và chung tay cùng nhân dân Campuchia tái thiết đất nước.
Đại tá Trương Xuân Quân (một cựu chiến binh Việt Nam tại chiến trường Campuchia) chia sẻ: “Sau khi giải phóng, có một số người dân chạy loạn trở về nhà. Trong quá trình đó, có những đơn vị bộ đội mình kết nghĩa với địa phương ấy. Một là các y tá, bác sĩ khám, chữa bệnh cho những người dân Campuchia khi họ bị ốm đau, bệnh tật. Thứ hai là tổ chức múa Roăm Vông, bộ đội Việt Nam cũng tham gia nhảy múa cùng với những cô gái và chàng trai của Campuchia. Người dân Campuchia thấy bộ đội Việt Nam không phải như Pol Pot nói, mà rất là hiền lành, quý dân.”
Với những cống hiến, góp phần giúp đất nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot và dựng xây đất nước, hình ảnh những người lính tình nguyện và chuyên gia Việt Nam luôn trong trái tim mỗi người dân Campuchia. Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia, ông Thong Khon khẳng định: “Chúng tôi không thể nào quên được ngày 7/1/1979. Nếu như không có quân đội nhân dân Việt Nam, mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia, quân đội nhân dân Campuchia thì sẽ không thể nào thoát khỏi họa diệt chủng của Pol Pot. Từ đó đến nay, mối quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Campuchia ngày càng bền vững và phát triển”./.