Đây là nhận xét của ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam khi trả lời phỏng vấn của VOV.VN bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

nguyen_quoc_cuong_chu_tic_izye.jpg

PV: Trên diễn đàn Quốc hội nhiều đại biểu cho rằng, người nông dân đang thực hiện tốt nghĩa vụ với các khoản thuế, phí nhưng các ưu ái lại dành cho các DN nhà nước, phần nhiều trong số đó làm ăn lại không hiệu quả. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

Ông Nguyễn Quốc Cường:Đúng là có một sự không công bằng đối với người nông dân. Tôi cho rằng đây là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền cần phải thấy đây là một sự không công bằng.

Ở khía cạnh nào đó có gì đó không thiện cảm, chu đáo đối với phía nông dân. Quá nhiều ưu đãi đang dành cho các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, thậm chí còn lấy cả ruộng của người nông dân để lấy đất cho các doanh nghiệp này, thì có phần nào đó chúng ta có thể nghĩ đến người nông dân không được quan tâm hàng đầu.

Tôi cho rằng trong chuyện này cần phải điều chỉnh, dù biết rằng trong quá trình đi lên thì phải có sự lựa chọn để phát triển. Tôi cũng đã từng có ý kiến về việc này.

Chúng ta phải điều chỉnh cơ cấu đầu tư, tốc độ phát triển làm sao để cho các thành phần kinh tế khác phát triển nhưng phải đảm bảo cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng phát triển đi lên để đảm bảo sự ổn định của các thành phần trong xã hội.

 PV:Theo ông phải điều chỉnh cách điều hành như thế nào để tạo thêm nhiều cơ hội cho người dân kinh doanh và sản xuất?

Ông Nguyễn Quốc Cường: Tôi đã tham gia hai khóa Quốc hội, với trách nhiệm là đại diện cho hội nông dân, tôi cũng nhiều lần phản ánh về thực trạng đời sống, sản xuất của người nông dân Việt Nam. Chuyển tải những mong muốn của người dân để có những góp ý cho chính sách, cơ chế rất cụ thể đối với Đảng, Chính phủ để hệ thống chính sách đối với nông dân, nông thôn ngày càng phù hợp. Tạo được điều kiện để họ bớt khó khăn, cải thiện đời sống tốt hơn.

Bảo vệ người nông dân là trách nhiệm của chúng tôi và chắc chắn tinh thần trước sau chúng tôi vẫn lên tiếng bảo vệ.

Tôi có thể nói một cách chủ quan rằng 90% cán bộ công chức, lực lượng vũ trang… hầu hết từ Trung ương cho đến cơ sở đều có xuất thân từ nông thôn và nông dân. Hoàn cảnh và điều kiện là như thế cho nên có thể thấy họ có mối quan hệ huyết thống với nông dân, nông thôn chứ không phải mối quan hệ hữu cơ bình thường.

Ai cũng có mối quan hệ ruột thịt, ông chú, bà bác là nông dân, nên những gì đụng đến nông dân, nông thôn là đụng đến toàn xã hội.

Cho nên chúng ta phải nhìn thấy cội nguồn, gốc gác để thấy đạo đức, đạo lý con người là phải bảo vệ nơi xuất thân của mình.

Có thể nói nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước xã hội quan tâm rất nhiều, đặc biệt là các đại biểu dân cử, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp trong các diễn đàn đều quan tâm đến người nông dân. Thời gian qua khi bàn đến vấn đề kinh tế của nước ta thì nhắc nhiều đến kinh tế nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Nhìn chung tinh thần các đại biểu là bênh vực, bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. Trên cơ sở đó các đại biểu đều chỉ ra những khó khăn trong nông nghiệp, những rủi ro của người nông dân; những điểm chưa hợp lý trong chính sách và sự trợ giúp của nhà nước đối với nông dân, từ đó hiến kế để tạo thêm các điều kiện thuận lợi cho người nông dân trong sản xuất.

PV: Ông đánh giá như thế nào về cách chính sách hỗ trợ người nông dân thời gian qua?

Ông Nguyễn Quốc Cường: Chúng ta đã làm được nhiều việc. Người dân nghèo được hỗ trợ tiền điện, bảo hiểm y tế, được cho vay vốn cho con đi học… những điều này đã được tạo điều kiện tương đối. Nhưng thực tế so với những khó khăn của người nông dân thì vẫn chưa đủ.

Nhất là câu chuyện xăng dầu cứ nói giảm nhiều lần nhưng giá cả thị trường lại giảm không đồng bộ. Ví dụ giá cước vận tải vẫn như thế thì đương nhiên là tác động tới toàn xã hội, trong đó người yếu thế là nông dân bị tác động nhiều nhất.

Tôi từng công khai nói rằng điều kiện nông nghiệp của chúng ta còn khó khăn.

Có một nghịch lý rằng người nông dân hiện nay làm ruộng hiệu quả thấp quá. Nhất là miền Bắc nếu trồng lúa được mùa thì một sào ruộng cũng chỉ có lãi từ 150.000-200.000 đồng. Số tiền này không bằng một ngày công đi làm osin, xe ôm, gánh hàng rong… ở thành phố. Chính vì thế vì mưu sinh nhiều người đã bỏ ruộng để kiếm việc làm trên thành phố. Đây là việc cực chẳng đã.

Nói như vậy để thấy sự bất lợi, yếu thế của người nông dân khi họ chưa yên tâm với mảnh ruộng của mình.Do vậy họ rất cần trợ giúp có chính sách một cách nhất quán.

Giả sử tất cả người nông dân không làm ruộng nữa, chúng ta ăn bằng gì, sống thế nào, vấn đề an ninh lương thực sẽ ra sao?

Phải nói thật là người nông dân của chúng ta đã được bảo vệ nhưng chưa đúng tầm, chưa đảm bảo sự cần thiết để họ yên tâm sống bằng nghề nông.

Và cũng có thể thấy một nghịch lý là đôi khi chính đồng tiền thuế của người dân chưa được chi tiêu một cách hiệu quả nhất.

PV: Xin cảm ơn ông!