Trong thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng, Đại biểu Nguyễn Thị Khá đánh giá cao các kết quả tái cơ cấu DNNN đã đạt được trong 3 năm qua (2011-2013), đã góp phần thay đổi, ổn định nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá tập trung phân tích những hạn chế và đưa ra giải pháp để quá trình tái cơ cấu DNNN đáp ứng yêu cầu đặt ra. Theo đại biểu, tiến độ tái cơ cấu (TCC) DNNN còn chậm so với yêu cầu. Mặc dù trong những năm qua, DNNN đã giảm mạnh từ 12.000 DN xuống còn hơn 1000 DN nhưng với việc hình thành các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước với các công ty con, công ty cháu, thậm chí công ty chắt đã làm tỷ trọng DNNN trong GDP vẫn ở mức cao, chiếm 32%. Một số khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thua lỗ, không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu.
Trong ngành công nghiệp, chủ yếu là gia công, lắp ráp, hàm lượng nội địa và giá trị gia tăng thấp. Đại biểu Nguyễn Thị Khá lấy ví dụ, từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, việc sản xuất, lắp ráp một chiếc ô tô thì tỷ lệ nội địa hóa chiếm khoảng 40%. Nhưng đến nay, song song với ngành công nghiệp phát triển, việc lắp ráp một chiếc ô tô tỷ lệ nội địa hóa chỉ chiếm trên 10%. Trong đó, ngành công nghiệp vẫn là nhỏ lẻ, phân tán, manh mún…
Cơ cấu kinh tế chưa phát huy tiềm năng khu vực kinh tế tư nhân. Trong kinh tế lao động, hiệu suất năng suất lao động Việt Nam thấp hơn với năng suất lao động các nước trong khu vực.
Những nguyên nhân chính của những hạn chế đó, theo đại biểu Nguyễn Thị Khá, là tác động khủng hoảng kinh tế chung, trong chỉ đạo điều hành cũng chưa thực sự quyết liệt của một bộ phận người đứng đầu của các cơ quan chức năng và DNNN; chưa hiểu đúng ý nghĩa của việc CPH và sắp xếp lại DNNN.
Ngoài ra, DNNN với mô hình lớn, hoạt động đa ngành nghề, tài chính phức tạp cần có nhà đầu tư lớn…
Để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015), theo đại biểu Nguyễn Thị Khá, Chính phủ cần tạo sự mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để các bộ, ngành, địa phương phê duyệt Đề án tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình hoạt động của DNNN; Cần xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh, ngành nghề chủ đạo, ngành nghề liên quan. Ví dụ, điện lực lại đầu tư sang lĩnh vực khách sạn, nhà hàng.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Khá, cần tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với chủ sở hữu, từ đó tránh dựa dẫm, ỷ lại, xin cho. Nâng cao tính công khai, minh bạch của hoạt động doanh nghiệp; Phải đổi mới quản trị DN chưa mang lại hiệu quả cao, lời giả, lỗ thật.
Cùng với đó, phải sắp xếp hợp lý cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý điều hành, tinh giản biên chế, nâng cao kỹ năng của DN. “Hiện nay, một số DN còn mang dáng dấp thời bao cấp với bộ máy cồng kềnh, thừa thày, thiếu thợ, đến hẹn lại lên, trong khi muốn giảm biên chế cũng không xong vì đụng đến con anh A, cháu bị B” – đại biểu Nguyễn Thị Khá nói.
Điều quan trọng, các DNNN phải quyết tâm hơn nữa, không dựa dẫm bộ chủ quản, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Quá trình tăng trưởng dựa vào tăng tích lũy vốn, tăng sự tự chủ cho DN.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá đề nghị: “Đã đến lúc cần phải mạnh dạn cắt đi cái đuôi của nhóm lợi ích. Nhưng không buông lỏng chức năng kiểm tra, giám sát việc phân bổ, sử dụng vốn; phải gắn kết giữa trách nhiệm và quyền hạn, tăng tính chủ động, tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Người đại diện vốn Nhà nước phải là ông chủ thực sự chứ không phải ông chủ hờ, thụ động, chờ đợi, đi xin kế hoạch, xin vốn”.
Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ những gì Nhà nước không cần chi phối nắm giữ. DNNN phải là cốt lõi chỉ huy nắm đầu ra để đảm bảo các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Không nên tự động đầu tư từ đầu từ đầu đến chân. Cái gì xã hội làm được trong khi việc sản xuất công đoạn nào, công việc gì các thành phần kinh tế khác làm được ta huy động vào. Phải nâng cấp công nghệ, cải thiện, thay đổi hệ thống quản lý cần phải đào tạo và đào tạo lại cho phù hợp ngành nghề, chuyển dịch lao động theo hướng cao hơn, ai làm được thì giữ lại, ai không làm được thì cắt giảm. “Nhưng đồng thời cũng phải thanh tra, kiểm tra, thực hiện đầy đủ các chính sách cho người lao động, đảm bảo an sinh cho họ để họ an tâm, tin tưởng chủ trương của Đảng, Nhà nước; tạo môi trường lao động phù hợp cho họ tiếp tục cống hiến, đạt năng suất lao động cao hơn”, ý kiến của Đại biểu nêu rõ.
Chính phủ cần tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng, quyền tự do kinh doanh của DN, và cá nhân cũng như sự bình đẳng của DNNN, DN FDI, DN tư nhân. Nhà nước phải đóng vai trò then chốt trong những vấn đề cơ bản, đó là ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng chính sách hiệu quả, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Chinsh sách đưa ra nhiều, ai tiếp cận được, được đến đâu thì chưa ai đánh giá
Và cuối cùng là việc xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh, chính sách giáo dục, đào tạo, công nghệ thông tin phải ngang tầm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước.
“Phải thực hiện tái cơ cấu kinh tế phải thực sự hơn, phải là “bình mới, rượu mới”” – Đại biểu Nguyễn Thị Khá nhấn mạnh./.