Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa công bố báo cáo nghiên cứu “Cơ chế và tiêu chí giám sát các hoạt động của Doanh nghiệp nhà nước” do nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cùng các cộng sự thực hiện.

Hệ thống giám sát DNNN còn nhiều hạn chế

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trong thời gian gần đây, hoạt động của DNNN bộc lộ nhiều bất cập như hoạt động không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ, tình trạng một số DNNN vi phạm các quy định về sản xuất kinh doanh; đầu tư và quản lý vốn, tài sản nhà nước nhưng chưa được phát hiện kịp thời và có biện pháp chấn chỉnh. Chính phủ và xã hội không nắm bắt được chính xác và kịp thời tình hình hoạt động của DNNN, chưa đánh giá được việc DNNN thực hiện đúng vai trò và mục tiêu được giao hay không. Nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân của hiện tượng trên xuất phát từ hệ thống giám sát DNNN hiện nay chưa phù hợp và còn nhiều hạn chế.

saipham_dnnn_hsvr.jpgCâu chuyện sai phạm tại Vinashin là một trong những điển hình về năng lực quản lý, giám sát DNNN có  vấn đề (Ảnh minh họa: KT)

So sánh với kinh nghiệm của Hàn Quốc, cho thấy, thực tiễn thực hiện các quy định về giám sát DNNN ở nước ta có nhiều hạn chế. Trong đó, một đặc điểm dễ nhận thấy của hệ thống các quy định về giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động DNNN là nhiều và phân tán về thời gian ban hành.

Theo thống kê, có ít nhất khoảng 21 loại văn bản khác nhau quy định về giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động DNNN ở các khía cạnh và nội dung khác nhau. Giống như bất cập điển hình của hệ thống pháp luật nước ta là nhiều văn bản không rõ còn hay đã hết hiệu lực áp dụng.

Khái niệm về giám sát DNNN cũng còn thiếu rõ ràng, tạo ra những sự khó hiểu, nhầm lẫn. Chẳng hạn, khái niệm về giám sát trực tiếp, gián tiếp, giám sát trong và sau hoạt động.

Cùng với đó, đầu mối giám sát cũng còn phân tán. Nhiệm vụ giám sát được phân công cho nhiều bộ, ngành, UBND khác nhau. Đối với mỗi cơ quan, có hai tiêu chí để xác định DNNN là đối tượng chịu sự giám sát của mình, gồm: loại DNNN và phạm vi chức năng quản lý nhà nước. Việc phân loại DNNN cũng sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau và không thống nhất, cụ thể: tập đoàn kinh tế nhà nước (tiêu chí: tầm quan trọng); công ty TNHH 1 thành viên (tiêu chí: sở hữu nhà nước); công ty thuộc Bộ, UBND (tiêu chí: cơ quan chủ sở hữu/cơ quan chủ quản); công ty có sở hữu nhà nước (tiêu chí: sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp)....

Nhiều sai phạm lớn, nghiêm trọng trong DNNN không được phát hiện kịp thời

Qua khảo sát, báo cáo cho biết, các doanh nghiệp đã phải cung cấp rất nhiều thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước không nắm được đầy đủ và kịp thời tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Mỗi khi cần nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan quản lý tổ chức thu thập thông tin thông qua cơ chế báo cáo “đột xuất” hoặc đoàn công tác.

Ngoài ra, xã hội nói chung ít được biết các thông tin về tình hình hoạt động của DNNN. Chính vì vậy, nhiều sai phạm lớn, nghiêm trọng trong DNNN không được phát hiện kịp thời.

Ví dụ cụ thể, đơn cử như việc EVN đã “hô biến” hạng mục “khu nhà quản lý, vận hành và sửa chữa” thành nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, kèm theo nhà trẻ, bể bơi, sân tennis…

Tính trung bình, mỗi doanh nghiệp hằng năm ít nhất phải lập và nộp khoảng 20 báo cáo các loại. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải thực hiện nhiều báo cáo mang tính đột xuất hoặc theo yêu cầu vụ việc cụ thể.

Cùng với đó, một số chỉ tiêu giám sát không còn phù hợp. Trong đó, chẳng hạn tiêu chí đánh giá theo nguyên tắc “bảo toàn và phát triển vốn”; tiêu chí lợi nhuận thực hiện và tỷ suất lợi nhuận thực hiện trên vốn chủ sở hữu; tiêu chí đánh giá về việc chấp hành chế độ, chính sách, pháp luật về thuế và các khoản thu nộp ngân sách khác, về tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bảo vệ môi trường, về lao động, tiền lương, an sinh xã hội...

Đánh giá hiệu quả DNNN còn thiếu tính độc lập

Về đánh giá hiệu quả hoạt động DNNN, báo cáo chỉ ra rằng, theo quy định hiện nay, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhằm phân loại doanh nghiệp và có các biện pháp khuyến khích động viên về vật chất, tinh thần đối với những doanh nghiệp và người quản lý, điều hành doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; xử

lý kịp thời đối với những doanh nghiệp và người quản lý, điều hành doanh nghiệp yếu kém.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đánh giá hiệu quả DNNN còn thiếu tính độc lập, khách quan và chuyên môn trong đánh giá DNNN. Quy trình đánh giá gồm 3 bước cơ bản: Doanh nghiệp tự thực hiện đánh giá và xếp loại; Gửi báo cáo đánh giá và xếp loại cho cơ quan có liên quan; Cơ quan có liên quan thẩm định và công bố xếp loại doanh nghiệp. Trong khi đó, cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN chính là chủ sở hữu và đây cũng là cơ quan chịu trách nhiệm trong giám sát DNNN.

Một nội dung bất cập của cách thức đánh giá DNNN là tính hình thức và không hiệu quả của việc thẩm tra và xem xét của cơ quan chủ sở hữu đối với báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động do doanh nghiệp trình lên. Qua thực tế làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp này than phiền rằng nhiều trường hợp doanh nghiệp không nắm được đơn vị đầu mối nào ở cấp Bộ để trao đổi khi cần thiết.

Từ thực tế này, so sánh với Hàn Quốc, báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho rằng, phương pháp và cách thức đánh giá DNNN của nước ta đã hoàn toàn lạc hậu, đặc biệt là thiếu tính độc lập, khách quan và chuyên môn cao trong đánh giá. Cụ thể, cách thức đánh giá DNNN ở nước ta thiếu các yếu tố quan trọng, như: Việc đánh giá do một cơ quan độc lập thực hiện, tách bạch với chủ sở hữu; Người đánh giá là các chuyên gia với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm tốt về đánh giá DNNN; Có sự tham gia của xã hội vào quá trình đánh giá DNNN./.