Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với nhiều nội dung được tiếp thu, chỉnh lý.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, về cơ bản, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội đã được quy định khá cụ thể trong Hiến pháp. Luật tổ chức Quốc hội chỉ cụ thể hóa hơn nữa để bảo đảm thực hiện các quy định của Hiến pháp.

Theo đó, Dự án Luật đã được chỉnh lý theo hướng cụ thể hóa khoản 7 Điều 70 của Hiến pháp về thẩm quyền của Quốc hội trong việc bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức và chấp thuận xin từ chức của các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Về việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Dự án Luật quy định đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm, chủ thể có thẩm quyền đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, hệ quả của việc bỏ phiếu tín nhiệm và việc từ chức.

Dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) cũng bổ sung một điều mới quy định về thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn các chức danh trong bộ máy nhà nước cho phù hợp với Hiến pháp; đồng thời làm rõ thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội.

Liên quan đến quy định về đại biểu Quốc hội, một số ý kiến cho rằng, Dự án luật cần quy định rõ hơn vai trò của đại biểu Quốc hội, cơ chế hoạt động và quyền hạn của đại biểu đồng thời tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, từ 35% lên 40%.

Theo đó, đề nghị phân định rõ tính chất hoạt động của đại biểu Quốc hội là hoạt động chuyên trách và không chuyên trách; quyền của đại biểu Quốc hội trong việc trình Dự án Luật, pháp lệnh, trình kiến nghị về Luật, pháp lệnh; quyền tham gia làm thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội…

Chiều nay, phiên họp thứ 30 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc./.