Có thể tạo cơ chế đăng ký thời điểm đi nghĩa vụ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh,Hiến pháp nêu rõ: Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đó, Luật sửa đổi cần nghiên cứu, cân nhắc đối tượng được miễn, tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự.

“Hiến pháp ghi rõ rồi, công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng không có nghĩa phải tập trung hết vào quốc phòng. Điều quan trọng là rèn luyện ý thức sẵn sàng, phẩm chất, kỹ năng. Bảo vệ Tổ quốc ai nói cũng hay nhưng phải rèn luyện để dù học hay làm việc ở đâu thì khi cần đều sẵn sàng”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc sửa Luật Nghĩa vụ quân sự phải có sự đổi mới để tạo ra nhận thức mới trong thực hiện nghĩa vụ công dân theo tinh thần Hiến pháp; không phải cứ thay thế là đóng tiền, hay đi học và làm công chức, viên chức thì không thực hiện nghĩa vụ quân sự.

“Cứ đăng ký học đại học thì thôi hay thi trượt thì du học để không thực hiện nghĩa vụ quân sự là điều rất bất công. Nên mở rộng diện ra, ai cũng phải đi nhưng có thể đăng ký thời điểm đi nghĩa vụ. Cùng với đó là bố trí huấn luyện ở vị trí phù hợp với từng đối tượng”, Phó Chủ tịch nêu ý kiến.

nhap_ngu_2014_urob.jpgTuổi trẻ nao nức lên đường nhập ngũ

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng nên cân nhắc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ (Luật quy định từ đủ 18 đến hết 25) để tạo điều kiện cho mọi công dân thực hiện: “Có thể sau 25 tuổi người ta vẫn có thể đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự, để sinh viên có thể học xong mới đi nghĩa vụ”.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị cân nhắc lại quy định việc miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ đối với cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong đã làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 24  tháng trở lên.

Sinh viên vừa học vừa thực hiện nghĩa vụ quân sự?

Nhấn mạnh yếu tố huấn luyện ý thức sẵn sàng và đảm bảo nguyên tắc mọi công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, trong đó có sinh viên, có ý kiến đề nghị nên chăng tạo cơ chế có hình thức thực hiện nghĩa vụ thay thế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến: “Công dân không phải làm nghĩa vụ quân sự là không được, chỉ là tùy hình thức. Ví dụ có thể thêm học kỳ trong khóa học để các cháu vừa học vừa hoàn thành nghĩa vụ”.

Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng: Thực hiện nghĩa vụ quân sự không chỉ để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng sức mạnh quốc phòng mà còn góp phần rèn luyện thanh niên về đạo đức, ý thức, lối sống…

Hiện trong các trường đại học, cao đẳng vẫn có 2 hình thức liên quan giáo dục quốc phòng là cung cấp kiến thức quốc phòng và tập trung một thời gian để rèn luyện kỹ năng và tác phong. Sinh viên có chứng chỉ quốc phòng mới xét tốt nghiệp. Theo ông Đào Trọng Thi, nên chăng cần tính toán kéo dài thời gian hợp lý để đối tượng này đủ điều kiện hoàn thành nghĩa vụ, được rèn luyện và không bỏ lỡ học.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai đề nghị cần nghiên cứu các nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự: “Công an, quân nhân cơ yếu, dân quân tự vệ bản chất là nghĩa vụ thay thế. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để từ đó khuyến khích các đối tượng tham gia vào những nghĩa vụ thay thế và họ vẫn cảm thấy danh dự như là nghĩa vụ quân sự”.

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, cần mở rộng các hình thức nghĩa vụ thay thế thì mới đảm bảo được mọi công dân đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự: “Nếu không có hình thức thay thế thì chỉ nguyên tắc, nên phải có hình thức để công dân thực hiện chứ không nhất thiết phải vào tất quân đội hay công an”.

Ngoài ra, với đối tượng tạm hõa, miễn, ông Uông Chu Lưu đề nghị cần rà soát đối tượng và quy định điều kiện trên cơ sở thực tế, khoa học, hợp lý, công bằng. Hết điều kiện thì phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Quan điểm của Chính phủ về quy định nghĩa vụ thay thế 

Về ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự vào dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) để bảo đảm công bằng đối với công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, Chính phủ cho rằng, thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật. Nếu quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng về nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã thấm sâu vào tiềm thức của Nhân dân và cả dân tộc Việt Nam.

Hằng năm có gần 7 triệu công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ (từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi), số lượng gọi nhập ngũ rất ít, trong điều kiện đất nước đang phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự rất khó khăn, nếu được quy định vào Luật sẽ chưa có tính khả thi. Mặt khác, trong dự thảo Luật đã quy định việc miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ đối với một số đối tượng.

Đối với số công dân không có điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ thì được phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội.

Qua nghiên cứu Luật Nghĩa vụ quân sự của một số quốc gia trên thế giới, có rất ít quốc gia quy định nghĩa vụ thay thế, nếu có quy định cũng rất hạn chế và phải được Hiến pháp quy định./.