Cho ý kiến về dự án Luật Thú y (gồm 7 chương, 121 điều) được Chính phủ trình xin ý kiến lần đầu vào chiều nay (13/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của ban soạn thảo; đồng thời thảo luận về một nhiều nội dung quan trọng, trong đó nhiều ý kiến nhấn mạnh đến quy định phòng chống dịch bệnh.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Để chủ động và đáp ứng phòng, chống dịch được kịp thời, khẩn trương dự thảo đã quy định và trao thẩm quyền công bố dịch cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được công bố dịch.

Theo đó, việc công bố đáp ứng được các điều kiện: Có ổ dịch thuộc Danh mục các bệnh phải công bố dịch xảy ra; có kết luận chẩn đoán xác định tác nhân gây bệnh, thì Chủ tịch UBND cấp xã công bố dịch trên địa bàn xã; còn dịch bệnh xảy ra ở hai xã Chủ tịch UBND cấp huyện công bố dịch trên địa bàn cấp huyện; Trường hợp, dịch xảy ra lan rộng từ hai huyện Chủ tịch UBND công bố.

Trong dự thảo đã bổ sung một điều về thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh được thành lập khi xuất hiện dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và đe dọa tính mạng sức khỏe con người.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai nhất trí quy định liên quan giao cho cấp xã phản ứng ngay tức khắc để đảm bảo tính kịp thời. Tuy nhiên, Luật cần làm rõ thời hạn công bố ở từng cấp.

“Sau 2 ngày mới công bố để động vật chết hàng loạt, gây thiệt hại thì ai chịu trách nhiệm? Nên cân nhắc thời hạn bao nhiêu để xã, huyện, tỉnh công bố dịch để từ xác định rõ trách nhiệm. Ngoài ra cần có quy định về ban bố tình trạng khẩn cấp”, bà Mai nêu ý kiến.

cong_bo_dich_jsng.jpgPhòng chống dịch bệnh là nội dung trong dự thảo Luật Thú y nhận được nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh:dongnai.com.vn)

Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị nên gộp các quy định liên quan đến phòng chống dịch thành một chương vì đây là nội dung rất quan trọng, trong đó làm rõ nội dung công bố dịch.

“Việc công bố dịch cũng là vấn đề phức tạp nên cần nghiên cứu để quy định đảm bảo công bố phải công khai, chính xách, kịp thời. Có nên gộp quy định cho cả động vật trên cạn và dưới nước được không? Hiện nay dự thảo chỉ mới chú trọng trên cạn, nhưng ta chưa hình dung sau này con dưới nước gây bệnh thì sao?”, bà Mai nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thì bày tỏ: “Mỗi lần công bố dịch trên đài báo là tôi sợ lắm. Ngoài vấn đề tâm lý xã hội còn liên quan thiệt hại nếu công bố không chính xác hoặc không thực thi tốt thì ảnh hưởng quyền lợi của dân. Giao cho các cấp thì quan trọng vẫn là tính kịp thời, chính xác”.

Liên quan quy định này, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Phan Trung Lý cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu để thể hiện chặt chẽ hơn và phù hợp với thực tiễn.

Tại sao động vật trên cạn có quy định công bố dịch ngay nhưng với động vật dưới nước lại có quy trình? Hai huyện trở lên thì Tỉnh công bố, vậy hai tỉnh trở lên thì trách nhiệm ai công bố, phải quy định để sau này không lúng túng”, ông Phan Trung Lý đặt vấn đề.

Theo Tờ trình của Chính phủ, một điểm mới trong dự thảo là quy định mở về việc lưu thông động vật mẫn cảm với dịch bệnh đang được công bố và các loại sản phẩm của chúng ra khỏi vùng có dịch. Quy định này nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật có nguồn gốc từ các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh nằm trong vùng có dịch, tránh được hiện tượng “bế quan, tỏa cảng”, dẫn đến ứ đọng sản phẩm động vật như đã từng xảy ra trong các vụ dịch Cúm gia cầm, Tai xanh thời gian qua. Tại điều này dự thảo Luật quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong phòng chống dịch bệnh động vật.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị phải nghiên cứu kỹ vì “bế quan, tỏa cảng” là do khâu thực hiện chứ không phải do luật. Hơn nữa, cần đề phòng nhằm không để lây lan dịch bệnh.

Tại buổi thảo luận, cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định về việc phòng chống dịch bệnh từ vật nuôi (chó, mèo…) và trách nhiệm của người nuôi./.