Tiếp tục phiên làm việc, chiều nay (12/8), Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật thi hành án dân sự.
Thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, về thi hành án khi có thay đổi giá trị tài sản tại thời điểm thi hành án và về thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, đa số ý kiến cho rằng, việc quy định giao Tòa án quyết định việc bán đấu giá tài sản để thi hành án trong trường hợp tài sản được tuyên trong bản án tăng hoặc giảm 20% và ra quyết định kê biên tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu để bảo đảm thi hành án là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án và không phù hợp với quy trình về tố tụng. Do đó, đề nghị giữ quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên, bán đấu giá tài sản để thi hành án như quy định hiện hành.
Nhiều ý kiến Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng, quy định TAND quyết định việc bán tài sản để thi hành án và kê biên tài sản là không thống nhất với quan điểm đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các quyết định nêu trên phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án, nếu quy định giao cho Tòa án thì cơ quan này phải trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức THADS, trách nhiệm của Chấp hành viên được chuyển sang Tòa án. Điều này sẽ dẫn đến thay đổi về tổ chức bộ máy hệ thống TAND và cơ quan THADS và không bảo đảm yêu cầu định hướng cải cách tư pháp.
Quy định này cũng không bảo đảm tính khả thi và tính chủ động, kịp thời của chấp hành viên trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, đồng thời không xác định rõ trách nhiệm khi có sai phạm. Mặt khác, việc Chấp hành viên kê biên tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng đã được quy định cụ thể tại các điều khoản của Luật THADS và các văn bản khác. Vì vậy, đa số ý kiến đề nghị không bổ sung hai nội dung trên vào dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị đối với việc kê biên tài sản là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu có giá trị lớn thì để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, tránh sự tùy tiện trong việc kê biên, bán đấu giá, nên quy định Tòa án phê chuẩn quyết định kê biên của Chấp hành viên.
Về vấn đề này, ông Tống Anh Hào- Phó Chánh án TANDTC cho đây là hoạt động ở giai đoạn thi hành án, là hoạt động của chấp hành viên: “Nếu tòa án thực hiện việc này thì tòa phải có bộ máy, vậy có cần thiết không? Hiện nay không cần thiết. Chỉ khi nào phát sinh tranh chấp về tài sản, căn cứ vào luật họ khởi kiện sang tòa thì tòa giải quyết”.
Phó Viện trưởng VKSNDTC, ông Nguyễn Hải Phong thì cho rằng việc đấu giá tài sản thi hành án đang tiềm ẩn phát sinh nhiều điểm tiêu cực như hạ mức giá hay giữa giá sàn và giá đấu bán có chênh lệch.
“Nêu không quy định chặt chẽ dễ dẫn đến tiêu cực. Cần quy định những mức thang, điều kiện”, ông Phong nêu ý kiến.
Đương sự có cần phải viết đơn yêu cầu thi hành án?
Đây là một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo ông Nguyễn Văn Hiện, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, để cụ thể hóa quy định tại Điều 106 Hiến pháp, bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành, cơ quan có thẩm quyền phải chủ động ra quyết định thi hành án, không nên bắt buộc đương sự phải có đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp người được thi hành án từ bỏ quyền lợi hoặc các bên đương sự tự thỏa thuận được việc thi hành án thì họ làm đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, ra quyết định đình chỉ.
Một số ý kiếnđề nghị giữ 2 cơ chế như quy định hiện hành: cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành và ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đương sự, tạo điều kiện để người được thi hành có thể lựa chọn về thời gian, phương thức thi hành án phù hợp.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành và đề nghị tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bỏ quy định về việc đương sự phải làm đơn yêu cầu thi hành án.
Theo Phó Chánh án TANDTC, ông Tống Anh Hào, Hiến pháp quy định bản án có hiệu lực thì phải thi hành. Nếu tòa án ra quyết định đưa bản án ra thi hành và mặt khác người được thi hành án lại phải làm đơn thì như vậy có sự chưa thống nhất.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, tinh thần Hiến pháp đã thể hiện rõ nên Luật sửa đổi không cần thêm các quy định dễ phát sinh thủ tục hành chính. Trong trường hợp người được thi hành án từ bỏ quyền lợi hoặc các bên đương sự tự thỏa thuận được việc thi hành án thì mới đề nghị xem xét./.