Thợ nghề sang nước nào cũng phải làm được việc
Cho ý kiến về dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ và thống nhất phạm vi của giáo dục nghề nghiệp để đào tạo ra người làm nghề thực sự chất lượng đáp ứng yêu cầu.
Nêu thực tế nhiều học sinh được đào tạo xong không đáp ứng được công việc, hoặc khi về doanh nghiệp phải đào tạo lại rất tốn kém, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “quản lý Nhà nước phải tốt thì mới tiến lên được”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đến 2015 sẽ xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như Việt Nam hội nhập sâu rộng và mục tiêu chỉ đạt khung trình độ quốc gia là không ổn.
“Thợ may, thợ hàn Việt Nam sang Hàn, Nhật hay bất cứ nước nào làm cũng được. Do đó cần phấn đấu trình độ đạt bằng khu vực và đáp ứng yêu cầu hội nhập”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ở góc độ tổng quan, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai đánh giá dự án Luật tạo nên cơ chế bình đẳng công-tư, không có điều khoản riêng và đây là điểm rất mạnh tạo nên cơ chế bình đẳng.
Tuy nhiên, nhấn mạnh bộ phận chủ yếu đang làm giáo dục nghề nghiệp là đơn vị công nên cần cân nhắc các quy định hỗ trợ những đơn vị này, nhất là ở vùng sâu, vùng xa vì “nếu không họ sẽ đầu hàng”. Tất nhiên tỉ lệ công- tư đang dần thay đổi và cơ chế mạnh mẽ là đặt hàng.
Đề nghị đổi tên gọi của Luật
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, trên cơ sở ý kiến của tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội đề nghị đổi tên và mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Dự án Luật cũng như ý kiến đồng thuận tại công văn số 5524/VPCP-PL ngày 22/7/2014 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Thường trực Ủy ban đề nghị đổi tên gọi của Dự án Luật thành Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp sẽ được mở rộng, gồm cả trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, để bao quát toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Ông Đào Trọng Thi cũng cho biết có ý kiến đại biểu đề nghị đổi tên Luật thành Luật Dạy nghề sửa đổi vì Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung trên ½ số điều của Luật Dạy nghề năm 2006.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đổi tên Luật thành Luật Giáo dục nghề nghiệp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến Quốc hội quyết định.
Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước
Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nêu rõ, trên cơ sở thống nhất dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thống nhất một cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Thường trực ủy ban và Ban soạn thảo nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, theo đó Luật cần quy định một cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và giao cho Chính phủ phân công cụ thể cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đại biểu đề nghị quy định ngay trong Luật cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần phân công trách nhiệm rõ ràng và thiên về việc giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội./.