Sáng nay (22/4), tiếp tục phiên họp lần thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì phiên họp.

Đa số đại biểu đánh giá cao việc Tòa án Nhân dân Tối cao đã chỉnh lý và tiếp thu nhiều nội dung quan trọng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 26. Tuy nhiên, Dự thảo Luật còn một số nội dung có ý kiến khác nhau như: tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân; nhiệm kỳ và tuổi làm việc của Thẩm phán.

Góp ý về quy định tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm trong Tòa án nhân dân, đa số đại biểu đồng tình cần thiết thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực với địa bàn rộng, sẽ gây khó khăn trong việc đi lại cho người dân. Giải trình về nội dung này, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho biết, việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực tùy thuộc vào tình hình thực tế của từng tòa án, nếu quá nhiều vụ việc cần giải quyết thì mới thành lập thêm Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực.

Về quản lý các Tòa án nhân dân tại Điều 8, Dự thảo Luật có quy định “Tòa án nhân dân Tối cao quản lý các Tòa án nhân dân về tổ chức, có sự phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân”. Đại biểu Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội băn khoăn: Nếu Tòa án Nhân dân Tối cao thực hiện quá nhiều nhiệm vụ thì ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng xét xử.

Đại biểu Phan Trung Lý nêu rõ: “Tôi đề nghị xem lại khái niệm quản lý tòa án, trong này khi quy định về nhiệm vụ Tòa án Nhân dân Tối cao là quy định Tòa án tối cao quản lý Tòa án nhân dân các cấp về mọi mặt. Hiến pháp quy định Tòa án Nhân dân Tối cao chỉ có 3 nhiệm vụ, thứ nhất là xét xử, thứ hai là Giám đốc thẩm, thứ ba là tổng kết hoạt động xét xử và bảo đảm thống nhất hoạt động trong xét xử. Bây giờ quản lý hệ thống tòa án về mọi mặt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xét xử là hoạt động chủ yếu của toàn án”.

Về nhiệm vụ phát triển án lệ của Tòa án Nhân dân Tối cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ban soạn thảo giải thích rõ khái niệm “án lệ” để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật nước ta. Cũng có ý kiến nêu quan điểm, quyết định Giám đốc thẩm của Tòa án Nhân dân Tối cao nên được coi là án lệ, vì vậy các quyết định Giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao phải đảm bảo tính mẫu mực theo đúng quy định của pháp luật để các Tòa án khác nghiên cứu tham khảo.

Đối với quy định về tuổi làm việc của Thẩm phán, các đại biểu tán thành kéo dài tuổi làm việc của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể đối với nam làm việc không quá 65 tuổi và nữ làm việc không quá 60 tuổi. Các Thẩm phán khác, đề nghị vẫn áp dụng độ tuổi làm việc như cán bộ, công chức khác theo quy định của Bộ Luật lao động. Đồng thời, quy định rõ Thẩm phán được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng không đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo./.