Thực hiện Nghị quyết 49, 8 năm qua, ngành tòa án đã giải quyết gần 1.900 vụ án các loại, đạt tỷ lệ 96%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán thấp. Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản được đảm bảo đúng người, đúng tội, hạn chế thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội.
Trung bình mỗi năm, tòa án các cấp đã tổ chức khoảng 5.000 phiên tòa xét xử lưu động; tỷ lệ các vụ hòa giải thành công chiếm hơn 40% tổng số vụ việc dân sự đã giải quyết.
Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 49 của ngành tòa án còn tồn tại nhiều hạn chế như: Việc tổ chức quán triệt nội dung Nghị quyết ở một số đơn vị còn hình thức; việc đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa, đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại tòa chưa thực sự toàn diện; một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về công tác tòa án nên chưa phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện cho tòa án thực hiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Nghị quyết 49 đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức đối với các nhiệm vụ cải cách tư pháp, nhất là nhiệm vụ liên quan trực tiếp tới tổ chức, hoạt động của ngành tòa án nhân dân; đồng thời nâng cao chất lượng xét xử, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa.
Sau khi phân tích những hạn chế, yếu kém của ngành tòa án, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban cán sự Đảng TANDTC chủ động, tích cực phối hợp với Ủy ban sửa đổi Hiến pháp góp ý toàn diện vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là chuẩn bị thật tốt nội dung chương về tòa án trong Dự thảo Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống tư pháp trong sạch, vững mạnh, phục vụ đắc lực cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm./.