Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 20, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn, đã biểu quyết thông qua danh sách 82 Tòa án nhân dân cấp huyện được tăng thẩm quyền xét xử, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp và hoàn thành đúng tiến độ Nghị quyết Quốc hội khóa XI đã đề ra.

Đây là những Tòa án nhân dân cuối cùng trong tổng số 688 tòa án nhân dân cấp huyện trong cả nước được phép triển khai công tác xét xử theo thầm quyền mở rộng, theo quy định tại khoản 1 điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự.

Kết quả thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, đại đa số các Tòa án nhân dân cấp huyện được đề nghị tăng thẩm quyền xét xử lần này đều đã có các yếu tố bảo đảm về tổ chức cán bộ, cơ sở vật chất, điều kiện bổ trợ tư pháp hay tính đồng bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hiện chỉ còn 5 Tòa án nhân dân và 3 Viện kiểm sát nhân dân chưa đủ số lượng thẩm phán như quy định, nhưng hiện đang triển khai các kế hoạch bổ sung nhân sự để bảo đảm theo đúng yêu cầu. Danh sách 82 Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử mở rộng đã được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhanh chóng thông qua.

Tuy nhiên, trước đó, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng nêu ý kiến cho rằng, Tòa án nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan cần quan tâm đến việc hoàn thiện cơ sở vật chất cho các đơn vị Tòa án cấp huyện, để chuẩn bị cho kế hoạch triển khai Tòa án khu vực. Việc tăng thẩm quyền xét xử yêu cầu trình độ của cán bộ tư pháp cũng cần phải được nâng cao. Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp cần có những kế hoạch cụ thể tiến hành đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các cán bộ tòa án nhân dân cấp huyện để phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ mới.

Cũng trong buổi sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi một số điều luật liên quan đến xây dựng cơ bản. Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản có nội dung sửa đổi, bổ sung 29 điều khoản trong 4 luật (8 điều của Luật xây dựng, 18 điều của Luật đấu thầu, 1 điều của Luật doanh nghiệp, 2 điều của Luật bảo vệ môi trường) với mục đích nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp lý, tạo ra những khung khổ pháp lý có những chế tài pháp lý đủ mạnh bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản.Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Hà Văn Hiền đề nghị đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi các quy định có liên quan trong Luật Đất đai và Luật Nhà ở để tạo điều kiện thống nhất cấp 1 giấy chứng nhận duy nhất cho quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Theo ông Hà Văn Hiền, sở hữu đất và nhà ở có liên quan mật thiết với lĩnh vực xây dựng cơ bản, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, vì thế nên cần thiết phải đưa vấn đề sửa đổi Luật Đất đai và Luật Nhà ở vào trong Dự thảo luật. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Thu Ba yêu cầu làm rõ các khái niệm cơ bản trong dự án luật như yếu tố "mang tính chất bí mật quốc gia; cấp bách vì lợi ích quốc gia", "trường hợp đặc biệt khác" của gói thầu được phép chỉ định thầu.

Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Trần Thế Vượng góp ý về vấn đề đối tượng trong dự luật và cần làm rõ hơn việc điều chỉnh dự án xây dựng do sự thay đổi của giá cả thị trường. Theo ông Vượng, dự luật cần có những chế tài cụ thể, đủ mạnh để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cùng chung ý kiến với bà Lê Thị Thu Ba về việc cần phải làm rõ những thuật ngữ trong dự luật như "vốn ngân sách" hay khái niệm "thiên tai, địch họa" trong việc cho phép điều chỉnh lại dự án đầu tư xây dựng công trình. Bên cạnh đó, ông Thuận cho rằng không cần thiết phải sửa điều 70 luật Doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận tổng kết các ý kiến góp ý và nhấn mạnh việc sửa đổi lần này nhằm đáp ứng yêu cầu bức xúc trước mắt của tình hình thực tế xã hội trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, ban soạn thảo Dự luật cần thể hiện sự rõ ràng, rành mạch các khái niệm thuật ngữ của luật, giảm thiểu các văn bản giải thích luật. Ban soạn thảo cần tập hợp, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết hợp cùng các cơ quan chức năng để hoàn thiện Dự thảo luật, xin ý kiến các đại biểu Quốc hội trong kỳ họp tới./.