Sáng nay (5/6), Quốc hội đã nghe Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, đồng thời dành thời gian thảo luận tại hội trường về nội dung này. 

Nhìn chung các ý kiếnđánh giá cao kết quả giám sát và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc giám sát một số vụ án cụ thể gây bức xúc trong dư luận đã bước đầu xây dựng niềm tin nơi người dân.

71 trường hợp oan, sai trong 3 năm

Theo báo cáo,trong kỳ giám sát, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can. Trong đó, số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm có 71 trường hợp, chiếm 0,02%.

Số vụ án oan, sai không nhiều nhưng theo đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), việc đánh giá bản chất tình hình “nghiêm trọng” là hợp lý.Bởi có vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc, làm mất lòng tin của người dân đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Một nội dung được thể hiện trong báo cáo rất đáng quan tâm là phần lớn các địa phương nhiều năm không phát hiện trường hợp nào oan sai, có địa phương lại để xảy ra nhiều oan sai, có vụ oan sai rất nghiêm trọng mà phần lớn do lỗi chủ quan của cán bộ điều tra, cán bộ tiến hành tố tụng. 

Báo cáo cũng đã chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng theo đại biểu Xuyền, dù là nguyên nhân gì thì việc để nhiều sai sót là đáng tiếc và cần rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục triệt để.

bui_van_xuyen_tnce.jpg
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình)

Bày tỏ chia sẻ với các cơ quan tiến hành tố tụng trước áp lực công việc như tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, đối tượng, tính chất, mức độ, nhiều vụ đông người tham gia, đại biểu nêu quan điểm cho rằng việc bắt hình sự rồi chuyển xử lý hành chính là cần thiết và cần nhìn nhận đúng quy định pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng việc nhận định những năm vừa qua các cơ quan hoạt động tố tụng triển khai quyết liệt để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, hạn chế tối đa oan, sai và số vụ oan, sai giảm dần theo từng năm là có cơ sở, đặc biệt trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Đại biểu Cương cho biết, giải quyết vụ án hình sự đang quá tải, trung bình 1 điều tra viên xử lý 30-40 vụ/năm, cá biệt 70 vụ, có thẩm phán giải quyết trên 17 vụ/tháng. Trong khi đó án hình sự hàng năm có xu hướng tăng. Quy định pháp luật hình sự và tố tụng còn hạn chế, có hướng dẫn chưa cụ thể (như giám định hàm lượng ma túy, tình tiết định tính hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng…) gây khó khăn cho quá trình áp dụng.

Bồi thường phải là trách nhiệm chủ động

Liên quan đến vấn đề bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc bồi thường cho người bị oan còn có một số tồn tại, hạn chế.

Nhiều trường hợp, việc giải quyết bồi thường còn chậm; có vụ đã kéo dài 9 năm như vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) đến nay vẫn chưa giải quyết xong việc bồi thường. Có trường hợp còn đùn đẩy trách nhiệm giải quyết bồi thường giữa các cơ quan tố tụng làm kéo dài việc bồi thường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị oan như vụ ông Phan Văn Lá (Long An) đã 21 năm làm “bị can”, đến nay chưa được bồi thường.

Qua giám sát cho thấy việc xử lý khiếu nại, tố cáo còn cho thấy, số đơn đề nghị bồi thường còn nhiều, có trường hợp gay gắt, kéo dài nhưng chậm được cơ quan có trách nhiệm xem xét, trả lời.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền nêu quan điểm cho rằng, bất luận nguyên nhân gì nhưng khixác định rõ được người bị oan thì các cơ quan phải có trách nhiệm bồi thường, nhanh chóng vào cuộc giải quyết một cách sớm nhất. Dù khó khó khăn gì đi chăng nữa thì cũng phải có phương án giải quyết nhanh nhất, coi đây là trách nhiệm chủ động của cơ quan tố tụng chứ không phải là vụ việc dân sự giải quyết bình thường.

Theo luật định, người gây oan sai sẽ phải bồi hoàn tiền cho Nhà nước sau khi bồi thường. Tuy nhiên, theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), 3 năm qua chưa có trường hợp nào phải bồi hoàn. Vậy vấn đề ở đâu và vì sao luật quy định nhưng các ngành, các cấp không thực hiện. Vấn đề này cần được xem xét nghiêm túc để trả lời cử tri.

Đại biểu cho biết, giám sát cho thấy do chưa có cơ quan có thẩm quyền nào ra quyết định người thi hành công vụ gây oan, sai phải có trách nhiệm bồi thường.Song báo cáo giám sát chưa chỉ ra được vì sao cơ quan thẩm quyền không xem xét việc bồi hoàn. Đại biểu đề nghị Quốc hội đưa vấn đề này vào Nghị quyết để các cơ quan tổ chức kiểm tra, thực hiện nghiêm túc./.