Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo- Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội chia sẻ điều này khi trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN

PV: Qua báo cáo giám sát về tình hình oan, sai và đền bù thiệt hại cho người bị oan, sai, đại biểu có đánh giá như thế nào?

dinhxuanthao_65510_grya.jpg
Đại biểu Đinh Xuân Thảo 

Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Báo cáo tổng hợp giám sát trình Quốc hội và đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường cơ bản cho thấy được bức tranh cơ bản về hoạt động tố tụng. Từ 2011-2014, số vụ việc điều tra, truy tố, xét xử trong cả nước rất lớn. Căn cứ vào yêu cầu, mục tiêu mà Quốc hội đặt ra phải đạt được trong công tác đấu tranh tội phạm, qua giám sát cho thấy đã thực hiện tốt.

Cũng phải nói rằng báo cáo tổng kết đánh giá có phần khắt khe. Còn nếu nói tình hình oan sai có nghiêm trọng hay không, theo tôi số lượng không nhiều nhưng oan sai dù một vụ mà nghiêm trọng thì hình ảnh tố tụng muốn hay không muốn cũng bị ảnh hưởng.

Cần nhấn mạnh rằng đợt giám sát tình hình oan sai không chỉ xuất phát từ dư luận xã hội về một vài vụ, mà quan trọng hơn là vào thời điểm Quốc hội đang tiến hành sửa đổi, bổ sung một loạt các luật như Bộ luật Hình sự, Tố tụng hình sự, Tổ chức cơ quan điều tra; tạm giữ, tạm giam… để cụ thể quán triệt hóa Hiến pháp 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân cũng như thực hiện các nguyên tắc mới về hoạt động tố tụng đã được quy định trong Hiến pháp mới.

Thực hiện giám sát là để đạt nhiều mục đích, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hoạt động tố tụng từ điều tra, truy tố đến xét xử.

PV: Thực tế cho thấy công tác bồi thường oan, sai thực hiện còn chậm, lý do vì sao, thưa ông?

Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Ta có Luật bồi thường Nhà nước và trách nhiệm trước hết là Nhà nước bồi thường, sau đó quy trách nhiệm cá nhân. Hiện Bộ Tư pháp đang thực hiện việc đó. Qua tìm hiểu tôi biết một vài vụ vừa qua đã giải quyết với số tiền không lớn lắm, còn vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) đang xúc tiến.

Tuy nhiên, có vụ xảy ra rất lâu rồi, giờ phát hiện oan sai thì bồi thường cũng gặp khó, cản trở tiến độ giải quyết vì theo luật phải có đủ căn cứ.

PV: Chánh án Tòa tối cao khi trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói rằng luật chưa chặt chẽ nên việc xác định ai có trách nhiệm bồi thường chưa rõ. Là nhà nghiên cứu về lập pháp, quan điểm của ông thế nào?

Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Luật nêu nguyên tắc sai ở khâu nào thì khâu đó phải chịu trách nhiệm nhưng hoạt động tố tụng là quá trình liên tục từ điều tra, truy tố đến xét xử.

Bây giờ cuối cùng án oan là ông Tòa, nhưng quyết định của Tòa đưa ra trên cơ sở truy tố của Viện Kiểm sát, truy tố lại bên cơ sở của cơ quan điều tra.

Tòa tuyên án sai phải chịu trách nhiệm là đúng nhưng những điều tòa án kiến nghị khắc phục mà không được chấp nhận, hồ sơ như cũ thì việc đó liên đới trách nhiệm lẫn nhau.

Luật bồi thường quy định đúng về nguyên tắc là anh nào sai, sai ở khâu nào phải chịu trách nhiệm thì rõ rồi, nhưng chưa tính hết một cách cặn kẽ, vì có cái sai lại mang tính liên hoàn. 

Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn cái sai đầu tiên là điều tra, công tố đáng lẽ phát hiện nhưng không phát hiện ra nên cũng sai. Đến tòa án không phát hiện ra các chứng cứ kia là sai, người ta kêu oan nhưng ông cứ xử án tại hồ sơ. Trong vụ này rõ ràng cả 3 khâu cùng sai.

Luật bồi thường có thể quy định khâu cuối cùng thì tòa phải bồi thường rồi sau đó tính trách nhiệm anh truy tố, anh điều tra đến đâu.

PV: Ông có ý kiến gì về việc phải có cơ quan trọng tài quyết định cơ quan nào chịu trách nhiệmvà có cơ quan độc lập đứng ra bồi thường để tránh hiện tượng “đùn đẩy” trách nhiệm?

Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Cái này khi xây dựng Luật bồi thường Nhà nước cũng có người đặt ra như thế và có lẽ rồi cũng phải như thế. Bây giờ quản lý nhà nước đầu mối là Bộ Tư pháp, kể cả tiền bồi thường.

Hiện nay các cơ quan hàng năm dự toán có một khoản cho việc bồi thường nhà nước do đó khi bồi thường không dễ vì năm nay bồi thường ít nhưng năm sau bồi thường rất lớn chẳng hạn. Do đó nếu có cơ quan độc lập thì cũng phải thay đổi cơ chế. Nên chăng tiền bồi thường phải như quỹ mới triển khai nhanh được.

PV: Nguyên tắc bồi thường là nhanh chóng, nhưng giờ các cơ quan liên quan cứ lấy lý do này khác để giải thích cho việc bồi thường chậm, khiến người bị oan, sai đã thiệt lại càng thiệt. đại biểu có suy nghĩ gì? 

Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Nguyên tắc khắc phục nhanh chóng là đúng, nhưng giờ ta phải tìm nguyên nhân nó vướng là gì. Đó là chứng từ chứng minh thiệt hại.

Người có trách nhiệm bồi thường cũng muốn giải quyết cho nó dứt điểm, nhưng theo quy định của pháp luật như thế thì họ cũng chưa thể. Nếu đây là chuyện riêng có thể họ bỏ tiền túi luôn nhưng đây là tiền của Nhà nước thì giải quyết theo quy định của pháp luật nên phải có thời gian.

Ví dụ vụ ông Nguyễn Thanh Chấn thì cả hệ thống các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc đang tính giải quyết mà vẫn còn vướng, chứ không hẳn thiếu tinh thần trách nhiệm. Cái đó cũng cho thấy bất cập giữa việc xây dựng pháp luật và tính thực thi khi áp dụng trong cuộc sống.

PV: Có dư luận cho rằng anh làm sai nhưng lại lấy tiền thuế của dân để đền bù. Cách hiểu này liệu đã chính xác chưa, thưa ông? 

Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Luật Bồi thường Nhà nước xác định trách nhiệm bồi thường trước hết của cơ quan công quyền. Trong quá trình thi hành công vụ để xảy ra thì trách nhiệm cơ quan đó phải chịu. Nhưng sau đó phải quy lại trách nhiệm cho cá nhân, con người cụ thể để hoàn tiền lại cho nhà nước.

Nhưng trong thực tế là cá nhân đó ăn lương, làm việc cho Nhà nước, phục vụ cho dân. Điều không muốn xảy ra thì họ cũng chỉ chịu trách nhiệm đến một mức nào đó thôi. Còn nếu không chẳng ai làm.

Ở nhiều nước có một số nghề người ta tham gia bảo hiểm nghề nghiệp. Trong trường hợp đó bảo hiểm đứng ra lo tất hậu quả.

PV: Xin cảm ơn đại biểu!./.