vov_ba_ngan_2_ftie.jpg
Đúng 14h30 chiều 16/11 là phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Chủ trì phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có 33 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân (Ảnh: Quốc Anh)

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho biết nội dung chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ tập trung vào 3 vấn đề lớn, gồm: vấn đề tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chỉ số hài lòng của Nhân dân trong đánh giá chế độ công vụ, công chức; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ. (Ảnh: Quốc Anh)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân là thành viên thứ 4 của Chính phủ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (Ảnh: Quốc Anh)

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chất vấn: Bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình là rất tốt, nhưng thời gian qua, cụm từ “đúng quy trình” lại là “bà đỡ”, là rèm che cho việc chọn người nhà chứ không chọn người tài, gây bức xúc. Bộ trưởng có giải pháp nào khắc phục lấy lại niềm tin cho nhân dân? (Ảnh: Quốc Anh)

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng): Quan điểm của Bộ về hình thức xử lý về mặt hành chính với nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng? Có cần thiết nghiên cứu sửa đổi bổ sung Luật và văn bản liên quan để đảm bảo xử lý nghiêm cán bộ, công chức, kể cả người đã nghỉ hưu? (Ảnh: Quốc Anh)

Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ việc xử lý ông Vũ Huy Hoàng chưa có tiền lệ, tuy nhiên việc này thể hiện quyết tâm chính trị rằng nếu có sai phạm thì có xử lý, không hạ cánh an toàn, qua đó cảnh báo cho đồng chí đang tại chức, khi thực hiện chức năng nhiệm vụ phải làm cho đúng, không phải nghỉ hưu là hết trách nhiệm với Đảng, Nhà nước. 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) tranh luận lại với Bộ trưởng về sắp xếp lại bộ máy quản lý ngành du lịch để phát triển ngành này thành ngành kinh tế mũi nhọn, yêu cầu Bộ Nội vụ phải chủ động tham mưu sắp xếp lại.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) trao đổi thêm về bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ, đề nghị Bộ trưởng tổ chức thanh tra ngay và công khai kết quả cho cử tri.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu trong Nghị định 53 là không đúng tinh thần của Bộ luật Lao động.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về trách nhiệm của Bộ trong việc xảy ra tình trạng công chức đánh người thời gian vừa qua, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh trách nhiệm quản lý cán bộ của các cơ quan chủ quản; phải kiên quyết loại bỏ những công chức vi phạm kỷ luật, phẩm chất đạo đức không xứng đáng...

Về vấn đề tinh giảm biên chế theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là chủ trương lớn, thời gian tới Bộ sẽ đẩy mạnh thực hiện lộ trình xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập để tinh giảm biên chế; thực hiện đúng quy định về giao biên chế hằng năm
Đại biểu Dương Xuân Hoà (Lạng Sơn): Bộ trưởng cho biết, căn nguyên của sự chậm trễ phê duyệt đề án vị trí việc làm gì? (Ảnh: Quốc Anh)

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội): Trách nhiệm của Bộ trưởng trước tình trạng quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ; làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục là gì? (Ảnh: Quốc Anh)

Các đại biểu còn chất vấn về việc sáp nhập lại những cơ quan, tổ chức có chức năng nhiệm vụ giống nhau, những đơn vị hành chính quy mô nhỏ để giảm biên chế; sự bất cập về tiêu chí đánh giá cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ (tiêu chí có công trình khoa học mới được coi là hoàn thành nhiệm vụ); vấn đề nhiều địa phương quy định phải có hộ khẩu trong tuyển dụng công chức (trái luật)... (Ảnh: Quốc Anh)

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tranh luận lại với phần trả lời của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân về tính minh bạch trong việc tổ chức thi tuyển công chức; giải pháp giải quyết việc làm cho các đối tượng cử tuyển...

Đại biểu Quốc hội giơ biển đăng ký tranh luận lại với phần chất vấn của đại biểu Quốc hội