Sáng nay (15/11), ngay sau khiChủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khoá XIV,Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII.
Báo cáo cho biết, có 2.613 kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, sau khi phân loại, còn 914 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan của Quốc hội; của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ; Tòa án nhân dân tối cao và các tổ chức chính trị - xã hội.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải |
Nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó tập trung chủ yếu vào 8 nhóm vấn đề chính: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải quyết việc làm và an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục, y tế; kế hoạch, đầu tư, tài chính và ngân sách; sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường; giao thông vận tải, quản lý xây dựng; tài nguyên và môi trường; xây dựng Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và hoạt động của các cơ quan tư pháp,…
“Toàn bộ 914 kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu giải quyết và tính đến hết ngày 30/9/2016 đã có đầy đủ 914 văn bản trả lời trả lời gửi đến các cử tri đúng quy định (đạt tỷ lệ 100%). Nội dung trả lời cụ thể 914 kiến nghị này đã được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội” – bà Nguyễn Thanh Hải cho biết.
Báo cáo đánh giá, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, tiếp thu những kiến nghị của cử tri để hoàn thiện các dự án luật nhằm khắc phục tình trạng luật “khung”, luật “ống”; đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, hạn chế tình trạng luật phải chờ các văn bản hướng dẫn...
Cùng với đó là tích cực, chủ động thực hiện kế hoạch giám sát gắn với việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và với những vấn đề bức xúc đang được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm.
Chính phủ, các thành viên Chính phủ dưới sự điều hành của Thủ tướng đã hết sức nỗ lực trong việc giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri, kết quả là tại kỳ họp này 100% các kiến nghị của cử tri đã được các bộ, ngành trả lời đảm bảo đúng thời gian quy định, khắc phục được tình trạng chậm trả lời kiến nghị cử tri.
Cũng theo Trưởng ban Dân nguyện, tiếp thu kiến nghị của cử tri trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi trách nhiệm của mình đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong một số lĩnh vực; xử phạt hàng chục tỷ đồng.
Ví dụ như Bộ NN&PTNT phối hợp với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã tổ chức 61 Đoàn thanh tra, kiểm tra; ban hành 1.195 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt gần 23 tỷ đồng. Bộ Công thương tiến hành kiểm tra việc bán hàng đa cấp, đã xử phạt 36 doanh nghiệp với số tiền gần 6,5 tỷ đồng, thu hồi giấy chứng nhận đối với 9 doanh nghiệp...
Tuy vậy, báo cáo giám sát thẳng thắn cho rằng, một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn có hiện tượng quá chú trọng tới việc trả lời kiến nghị của cử tri (để tránh tồn đọng) mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị cử tri. Có những kiến nghị cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, kết luận để có căn cứ trả lời cử tri, nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra đã có văn bản trả lời cử tri.
Trong phần kiến nghị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ, tiến hành rà soát, giải quyết dứt điểm 142 kiến nghị của cử tri còn tồn đọng.
Trong đó, đặc biệt quan tâm giải quyết 4 vấn đề mà nhiều cử tri quan tâm đã kiến nghị qua một số kỳ họp Quốc hội, đó là: Tính ổn định của các phương án tổ chức thi tốt nghiệp PTTH và xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng; Vấn đề vi phạm pháp luật và các biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp; Vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản, thực phẩm hỗ trợ nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có chính sách đột phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; Vấn đề quản lý và xử lý các sai phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản, chặt phá rừng trái phép.../.