Theo dõi phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, cử tri Nguyễn Minh Khoa, Giảng viên Học viện Chính trị Khu vực 3 thống nhất với cách trả lời thẳng thắn của Bộ trưởng. Ông cũng rất tâm đắc khi Bộ trưởng đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng của ngành Giáo dục và Đào tạo. Ông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chính sách minh bạch đối với học phí đào tạo sau Đại học. 

“Tôi ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng về việc sắp xếp lại mạng lưới các trường Đại học, trong đó quan trọng hàng đầu là chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên sư phạm. Bởi vì chất lượng giáo dục tốt hay kém thì trước hết phụ thuộc vào chất lượng của công tác quản lý giáo dục và sau đó là chất lượng của đội ngũ giáo viên”, ông Nguyễn Minh Khoa nêu ý kiến.

vov_bo_truong_gd_iphr.jpg
Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn.

Cử tri tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, công tác đổi mới và nâng cao chất lượng Giáo dục- Đào tạo của nước ta hiện nay có nhiều thành quả nhất định, quan tâm đến các học sinh nghèo ở các vùng sâu, học sinh bị khuyết tật.

Ông Trần Văn Đáng, cử tri xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho rằng, về đổi mới giáo dục- đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chủ trương. Việc  giáo dục đặc biệt cho trẻ khuyết tật, Bộ cũng đã rất quan tâm, ban hành các văn bản, thành lập Trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập. Qua đó, giúp cho các trẻ khuyết tật được học tập, sinh hoạt, vui chơi với các trẻ bình thường.

Liên quan đến các vấn đề nóng thuộc lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo, trong đó chất lượng giáo dục Cao đẳng, Đại học khiến hơn 190.000 sinh viên ra trường thất nghiệp, nhiều cử tri thống nhất với giải trình của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Theo đó, chất lượng đào tạo theo chương trình hiện nay cần phải điều chỉnh lại cho sát với thực tế nhu cầu tuyển dụng và sắp tới, cần siết chặt liên kết giữa hai Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Về vấn đề này, ông Trương Văn Bi, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tôn ở Quận 11, TPHCM cho rằng, nguyên nhân cũng là do sự đào tạo ồ ạt các khoa, ngành mà chưa khảo sát cụ thể nhu cầu của thị trường lao động. Đúng như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sinh viên thất nghiệp nhiều chủ yếu là ở các trường mới thành lập, hoặc trường có chất lượng giảng dạy chưa cao. Trong khi đó, tâm lý của phụ huynh, học sinh muốn phải học Đại học.

Ông Trương Văn Bi cũng cho biết, hiện nay nhiều trường vi phạm việc tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu, trong khi đó sự kiểm soát còn lỏng lẻo dẫn đến sự tràn lan cử nhân tốt nghiệp mà không có việc làm.

“Đào tạo mà không có chuẩn hóa các tiêu chí thì đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của xã hội, phải tu nghiệp hoặc phải đào tạo lại. Chỉ tiêu vượt quá mức thì Bộ phải có biện pháp, gọi là chế tài phải như thế nào”, ông Bi nhấn mạnh.

Bà Võ Minh Châu, nhân viên nhân sự Công ty công nghiệp Tân Á sản xuất bao bì carton dợn sóng, chi nhánh tại tỉnh Sóc Trăng cho hay, cần hướng học sinh đến nhu cầu tuyển dụng lao động thực tế của nền kinh tế đất nước và trang bị  kỹ năng cần thiết để tìm được việc làm sau khi ra trường.

Theo bà Võ Minh Châu, không ít các em học sinh thi và đi học để có bằng cấp chứ không định hướng được bản thân thích ngành gì và nếu theo ngành đó thì cần kiến thức và kỹ năng gì để chuẩn bị cho công việc tương lai khi ra trường. Vì vậy, nên có những môn đào tạo về kỹ năng, định hướng sau khi ra trường.

Về vấn đề dạy thêm, học thêm, theo cử tri Huỳnh Thị Phượng ở Quận 1, TPHCM nếu cứ duy trì thì dễ biến tướng. Thực tế chương trình giảng dạy quá nặng nề, chưa đổi mới nhiều khiến học sinh khó tiếp thu bài. Dạy thêm cho học sinh yếu kém và theo nhu cầu của phụ huynh thì nên chấp nhận. Tuy nhiên, quan trọng là vai trò quản lý chính là Ban giám hiệu nhà trường, vai trò của Hiệu trưởng quản lý không để xảy ra biến tướng, bằng cách cầu thị, ghi nhận ý kiến phản ánh của phụ huynh và học sinh.

Cử tri Huỳnh Thị Phượng nêu ý kiến: “Hiệu trưởng phải có thông báo chung, nếu có ai ép học sinh học thêm chắc chắn sẽ bị xử lý nặng, thông báo trong hội đồng sư phạm”.

Cử tri Tống Thị Thoa, giáo viên Trường THPT Đống Đa, Hà Nội đánh giá cao việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm, bạo lực học đường gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua, cũng như chương trình học quá thiên về kiến thức mà chưa chú trọng dạy đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Cử tri Lê Quốc Hạnh, ở quận Thanh Xuân cho rằng, nhiều câu trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đều đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu, không vòng vo. Tuy nhiên, có nhiều câu trả lời chưa đưa ra được các giải pháp để giải quyết những vấn đề tồn tại của ngành giáo dục hiện nay mà chủ yếu mang tính giải thích.

Khi nói về đào tạo sau Đại học, Bộ trưởng có nói giải pháp chính sẽ xây dựng lại văn bản về quản lý đào tạo sau Đại học. Tôi không cho là thiếu hệ thống văn bản về quản lý. Phải xây dựng từ đầu thì phá đi để làm lại hay sao, hay chất lượng văn bản trước đây không đáp ứng nhu cầu. Tôi nghĩ chỉ có điều chỉnh, bổ sung, trên cơ sở đó đào tạo cho tốt, đảm bảo chất lượng”, cử tri Lê Quốc Hạnh nêu dẫn chứng.

Cử tri cũng cho rằng, một số nội dung đại biểu đề cập Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chưa nắm rõ vấn đề nên trả lời còn chung chung, chủ yếu nói về thực tế những bất cập đang xảy ra mà chưa đưa ra được giải pháp để giải quyết./.