Ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp 1992 (sửa đổi), bên hành lang Quốc hội nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình và nhận định Hiến pháp 1992 (sửa đổi) đã tiếp thu toàn bộ ý kiến các đại biểu Quốc hội trên tinh thần thấu hiểu, tiếp thu, chắt lọc những tinh hoa trí tuệ của toàn dân tộc.

hien-phap.jpg
Các đại biểu bấm nút biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi (Ảnh: Tuổi trẻ)

Hiến pháp 1992 (sửa đổi) được thông qua đã được tiếp thu, chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị. Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Quốc hội đã dành sự quan tâm đặc biệt đầy đủ và cẩn trọng đối với quá trình xem xét và qua nhiều vòng từ lấy ý kiến của toàn dân rồi thảo luận qua mấy kỳ họp Quốc hội và đến hôm nay thông qua Hiến pháp 1992 (sửa đổi). Đây là kết quả của sự nỗ lực của hệ thống chính trị với tinh thần trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội và Ủy ban sửa đổi Hiến pháp.

“Tôi nghĩ rằng lần sửa đổi lần này đã nâng tầm quan điểm của Hiến pháp đối với những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân đến những vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội ví dụ chúng ta đã đưa ra được tuyên ngôn về vấn đề an sinh xã hội, vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân, vấn đề học tập tối thiểu những chính sách cho người có công, người cao tuổi những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đối với lĩnh vực của tôi, tôi cảm thấy yên tâm đối với những điều mà Hiến pháp đã xem xét sửa đổi sắp xếp lại và là căn cứ để sau này ban hành những pháp luật có liên quan. Đối với những lĩnh vực khác, điều luật còn lại các đại biểu quốc hội cũng đã thể hiện chính kiến của mình và tôi cho rằng đây là bản Dự thảo rất công phu”, bà Trương Thị Mai cho biết.

Nhiều đại biểu nhận định: Hiến pháp 1992 (sửa đổi) có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng đánh giá, Ban soạn thảo đã tiếp thu những ý kiến của đại biểu Quốc hội và nhân dân đóng góp vào bản Hiến pháp. Đồng thời, Ban soạn thảo đã giải trình rõ những nội dung có ý kiến khác nhau của bản dự thảo.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh cho biết thêm: “Ban soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ, chắt lọc ý kiến của cử tri, đại biểu đưa vào bản Hiến pháp mới này. Đây là bản Hiến pháp chứa đựng tinh hoa, chắt lọc ý kiến hay và là đạo luật gốc để sau này điều chỉnh một số luật khác cho phù hợp với tình hình mới hiện nay để củng cố, bảo vệ đất nước và phát triển kinh tế”.

Hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập của đất nước, việc sửa đổi bổ sung bản Hiến pháp năm 1992 phù hợp với nguyện vọng, ý chí của nhân dân cả nước./.