Sáng nay (28/11), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ chính thức được các đại biểu ấn nút thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Trước đó, khi tham gia đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo, các đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng, đoàn Bình Dương; Nguyễn Thanh Hải, đoàn Hòa Bình; Đặng Công Lý, đoàn Bình Định; Đặng Ngọc Tùng, đoàn Đồng Nai… đều khẳng định: Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp thu, đặc biệt lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân ở nhiều góc độ khác nhau, nhiều chiều và tiếp thu có chọn lọc.

hien%20phap1.jpg
Các đại biểu TP HCM thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại tổ

Đặc biệt thời gian qua, việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân được tổ chức dân chủ và minh bạch, các nội dung của Dự thảo khi được đa số cho ý kiến đều được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghiêm túc tiếp thu. Dự thảo kỳ này được chuẩn bị công phu và có nhiều điểm mới so với bản trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5; các chương, điều đã cụ thể rõ ràng hơn, giúp người đọc, người nghe dễ hiểu, dễ nhớ.

VOV online xin trích đăng một số ý kiến của các đại biểu về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp:

Tôi nhất trí cao với chủ trương giữ nguyên tên nước, hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội. Khẳng định quyền con người, quyền công dân, khẳng định bản chất và mô hình tổ chức nhà nước xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Thái Bình:

Tôi chân thành cảm ơn Ủy ban sửa đổi Hiến pháp đã xem xét ý kiến của chúng tôi, đã đưa doanh nhân vào bản Hiến pháp (sửa đổi). Tôi nghĩ, bản Hiến pháp không chỉ là khuôn khổ pháp lý nền tảng của một quốc gia, mà còn là lời hiệu triệu toàn dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới mà ở đó, nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm và doanh nghiệp, doanh nhân là đội quân xung kích. Vì vậy trong Hiến pháp, cùng với sự có mặt của các giai tầng xã hội công nhân, nông dân, trí thức, các cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, thì việc bổ sung thêm doanh nhân vào Dự thảo lần này là hoàn toàn hợp lẽ.

Đại biểu Trần Đình Thu, đoàn Gia Lai:Dự thảo trình Quốc hội lần này được chỉnh lý một cách hợp lý và phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh 91 bổ sung, phát triển năm 2011. Chúng tôi thống nhất cao về các quy định trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp 1992 về thể chế chính trị và quy định nhà nước ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa, nên Hiến pháp thể hiện rõ bản chất giai cấp của nhà nước.

Đại biểu Trần Đình Thu

Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, chúng tôi bảo lưu ý kiến đề nghị quy định Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội, khẳng định tiếp tục sự kế thừa của các bản Hiến pháp trước đây.

Về các thành phần kinh tế, cơ bản chúng tôi tán thành với quy định đã được dự thảo Hiến pháp nêu, đó là nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Bởi vì trong giải trình có nêu rõ về kinh tế nhà nước không đồng nhất với doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thái Học, đoàn Phú Yên:Tôi cho rằng bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội đã được tiếp thu, chỉnh lý rất cầu thị, công phu, nghiêm túc, trách nhiệm, rất khẩn trương và có chất lượng cao. Đây là sản phẩm của trí tuệ, tình cảm, niềm tin, khẳng định ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với Hiến pháp, một đạo luật gốc, đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã dành nhiều thời gian để các cấp, các ngành, các chuyên gia nghiên cứu, tổ chức nhiều hội thảo để đóng góp ý kiến. Dự thảo Hiến pháp cũng được tổ chức lấy ý kiến nhân dân cả nước. Nhiều ý kiến sâu sắc đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu bổ sung, chỉnh lý rất cụ thể so với các dự thảo trước đây.

Đại biểu Lê Đắc Lâm

Đại biểu Lê Đắc Lâm, đoàn Bình Thuận:

Tôi tán thành với rất nhiều nội dung đã được bổ sung, chỉnh lý của Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) lần này, như là đã thể chế hóa được những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và nghị quyết của Đảng.

Dự thảo tiếp tục khẳng định rõ về bản chất, mô hình tổng thể của chế độ chính trị; bổ sung và phát triển, làm rõ hơn về nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; khẳng định rõ hơn những nội dung cơ bản và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hòa thượng Thích Chơn Thiện (Nguyễn Hội), đoàn Thừa Thiên - Huế:Bản dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 sửa đổi năm 2013 đến nay đã chắt lọc rất sáng sủa. Tổng hợp được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước. Bản Hiến pháp lần này ngắn gọn, nội dung thể hiện được tính chặt chẽ, có tính bao quát cao đáp ứng được yêu cầu của bộ luật gốc các giải trình, tiếp thu sâu sắc, có minh chứng thuyết phục.

Chúng tôi cũng đề nghị với Ban soạn thảo hãy sử dụng một nhóm chuyên viên tiếng Việt cấp đại học rà soát lại lần cuối toàn văn bản dự thảo để tránh các lỗi chủ quan. Được vậy thì với tư cách đại biểu Quốc hội, tôi sẽ mạnh dạn bấm nút thông qua dự thảo mà không còn vướng bận một chút băn khoăn nào./.