Sáng nay (20/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Cần căn cứ pháp lý để TPHCM bứt phá

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng trong suốt thời kỳ đổi mới có nhiều lần có cách làm xé rào tạo ra làn sóng đổi mới. Ví dụ như những năm 80, Thành phố đề xuất thí điểm khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố, sau đó pháp chế hoá thành quy định chung trên cả nước.

TP HCM cũng thành lập ngân hàng cổ phần đầu tiên của cả nước là ngân hàng cổ phần Sài Gòn Công Thương vào tháng 10/1987, sau đó Quốc hội ban hành sắc lệnh ngân hàng vào năm 1990. Thành phố cũng tiên phong trong việc đổi đất lấy hạ tầng sau đó mở rộng ra nhiều tỉnh, thành khác.

nguyen_thi_mai_hoa1_ucay.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp)

Theo đại biểu, trao cho TP HCM những cơ chế đặc thù chính là giao nhiệm vụ. Cả nước vì TP HCM thì Thành phố cũng sẽ làm tốt trách nhiệm của mình vì cả nước. Với nghị quyết này, Thành phố sẽ không cần phải loay hoay “xé rào” mà có đủ căn cứ pháp lý để bứt phá, phát triển, tiên phong cho cả nước.

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa đồng ý với cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách đem lại nguồn thu lớn cho thành phố. Tuy nhiên, chính sách này cũng ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp và người dân, nên cần lường trước những phản ứng của những đối tượng này.

Theo đại biểu, không chỉ phát triển kinh tế hạ tầng mà mục tiêu còn là phát triển giáo dục, y tế, môi trường, văn hoá, sự ổn định xã hội và bảo vệ môi trường sống. Từ đó lựa chọn chính sách tăng giảm thuế một cách hợp lý.

"Cần bổ sung nguyên tắc có sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp. Phải có đánh giá tác động trước khi triển khai nhằm tránh những phản ứng không đáng có. Các dịch vụ công phải tốt hơn, minh bạch trong thông tin và công bằng trong ứng xử", bà Mai Hoa nói và nhấn mạnh vấn đề không phải ở chỗ tăng giảm mà là tăng giảm hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân. 

Băn khoăn về thu thuế tài sản

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cũng đồng tình với việc cần có chính sách đặc thù để TPHCM phát triển hơn nữa, xứng đáng với Thành phố mang tên Bác. Tuy nhiên, việc ban hành luật tài sản để thí điểm ở TPHCM thì cần hết sức cân nhắc. Đây là loại thuế có lịch sử lâu đời ở nhiều nước, chiếm phần quan trọng tổng thu từ thuế, ví dụ như Nhật Bản là 10%, Canada là 4%. Ở Việt Nam thuế thu từ đất chỉ chiếm 0,03% GDP. Do đó, cần có đạo luật áp dụng trên toàn quốc.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội)

Nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản trong quản lý thuế là công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, nếu áp dụng ở TPHCM thì có sự khác biệt giữa người nộp thuế như có nhà đất ở địa bàn khác thì không bị nộp thuế nhưng có ở TPHCM thì phải thực hiện nghĩa vụ này. “Việc thí điểm cơ chế đặc thù thì cần sự khác biệt nhưng vấn đề nào tác động đến tâm lý, lợi ích người dân thì cần hết sức thận trọng” – nữ đại biểu nêu ý kiến.

Dẫn mục tiêu quan trọng khi ban hành nghị quyết là tăng cường tính hấp dẫn của TPHCM, khắc phục việc kém thu hút đầu tư, nhưng theo đại biểu Lưu Mai, nếu có thuế tài sản sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, chứng khoán và chỉ số cạnh tranh, hấp dẫn thành phố này.

Băn khoăn về điều kiện cần và đủ để áp dụng thu thuế tài sản, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp phân tích, kinh nghiệm các nước cho thấy cần có cơ sở dữ liệu hiện đại, chính xách về hiện trạng bất động sản, thường xuyên cập nhật biến động, việc sở hữu và chuyển giao. Cùng với đó là Nhà nước có sơ đồ chính xác; có sự định giá khoa học, hợp lý; có hệ thống chứng minh tài sản để tránh lách luật, trốn thuế.

Bên cạnh đó phải có sự chuẩn bị về tâm lý đối với những người phải nộp thuế. Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay khái niệm nộp thuế tài sản nhiều người còn chưa nắm rõ nên điều kiện cần và đủ chưa đồng bộ.

“Sau khi thí điểm mà không áp dụng luật thuế tài sản trên toàn quốc thì người đã nộp thuế ở TPHCM được tính toán thế nào? Có khi nào dừng đạo luật mà chưa áp dụng phạm vi toàn quốc? Thí điểm thì không tránh khỏi có sai sót và cần sửa chữa, cũng không quá cầu toàn nhưng cần thận trọng nhằm hội tụ đầy đủ các yếu tố để chính sách ban hành hợp lòng dân” – đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh./.