Sáng nay (20/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh

Tinh thần dự thảo Nghị quyết là quy định cho TP. Hồ Chí Minh được thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền của các vấn đề này thuộc Thủ tướng Chính phủ, nay phân quyền cho Thành phố thực hiện. Đối với một số nội dung pháp luật hiện hành chưa quy định, trình Quốc hội cho phép Thành phố nghiên cứu, xây dựng để báo cáo Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định cho thí điểm trên địa bàn Thành phố, đồng thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

vov_phung_quoc_hien_htha.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết là quy định cho TP. Hồ Chí Minh, ngày 14/11/2017

Thảo luận tại tổ trước đó về dự thảo Nghị quyết, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí ban hành cơ chế đặc thù để TPHCM phát triển hơn nữa, nhất là trong thời điểm những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của thành phố động lực này đang chậm lại.

Phân tích sâu hơn về các cơ chế, chính sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, việc thí điểm nên có những đặc thù mà luật chưa quy định nhưng phải đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp.

Cụ thể, theo Tờ trình của Chính phủ, giao thẩm quyền cho HĐND Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên. Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng Nghị quyết phải giới hạn “trần” diện tích được quyết là bao nhiêu, có thể như đề nghị của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội là quy hoạch diện tích đã được duyệt 5 năm.

“Cần bổ sung vào nghị quyết vì không nói “trần” mà TPHCM được quyết là bao nhiêu thì có khi quyết vượt lên cả thẩm quyền của Thủ tướng, của Quốc hội” – ông Phùng Quốc Hiển nói.

Về đề nghị điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản và thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, ban hành sắc thuế mới là thẩm quyền của Quốc hội. Nghị quyết có thể quy định tạm thời thí điểm ở TPHCM nhưng không phải với tất cả các loại tài sản, mà chỉ gồm nhà và đất. Cùng với đó, Nghị quyết cần có nội dung Chính phủ sớm trình Quốc hội dự Luật thuế tài sản nêu rõ phạm vi thí điểm ở TPHCM thì mới phù hợp tinh thần Hiến pháp.

Nhấn mạnh thuế suất là “linh hồn” của một sắc thuế, ông Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm chỉ nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (với rượu, bia...) hay thuế bảo vệ môi trường. Còn với các loại thuế như giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân chỉ nên giảm hoặc giữ ổn định.

“Chúng ta lấy sự phát triển của nền kinh tế, quy mô nền kinh tế để tăng thu chứ không lấy chuyện tăng thuế suất để làm tăng thu. Ngay cả thuế tài sản cũng có lẽ nên đánh vào tài sản mang tính đầu cơ, dư thừa để huy động nguồn lực” – Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc khi cơ chế đặc thù quá chú trọng vào tài chính, tăng thu để có đồng vốn nhiều hơn. Điều này là cần thiết, nhưng nếu quá chú trọng vào việc đó chưa chắc đã tạo được sự phát triển bền vững. Do đó, cần tăng đặc thù trong thu hút đầu tư, thúc đẩy đầu tư, phải có cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt.

Về việc cho phép HĐND Thành phố quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của Thành phố, ông Nguyễn Đức Hải – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, để thống nhất và tránh tạo sự bất bình đẳng trong chính sách trả lương, đề nghị đối với công chức, viên chức trong cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ bổ sung mức thu nhập tăng thêm (khoản tăng thêm so với mức lương cơ bản) theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc và quy định nguyên tắc, tiêu chí về mức thu nhập tăng thêm, còn mức lương cơ bản giữ nguyên như chính sách chung của cả nước.

Liên quan vấn đề này, nhìn chung các ý kiến đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ đều nhất trí, nhưng nhấn mạnh đi kèm với tăng thu nhập phải thay đổi cơ chế về mặt quản lý con người, tuyển dụng người có năng lực, sàng lọc cán bộ yếu kém. Hơn nữa, đã ủy quyền thì phải gắn với trách nhiệm của các cấp, tránh việc không hoàn thành lại đùn đẩy lên cấp trên.

* Chiều nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi)./.