Thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ chiều 7/1, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh, thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng ĐBSCL; mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong, vì thế, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ sẽ nhằm tạo điều kiện cho địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình.
Tuy nhiên, theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ thì phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của vùng ĐBSCL đều được cung ứng cho thị trường ngoài vùng và phục vụ cho xuất khẩu. Nhưng thực tế, hiện nay sản xuất nông sản ở khu vực này đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có công nghệ sau thu hoạch; kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống logistics vẫn chưa đồng bộ; giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước láng giềng, đang dần mất đi những lợi thế phát triển về nông nghiệp. Lý do là phần lớn các hộ nông dân chỉ tập trung vào khâu sản xuất, không có kho dự trữ lớn, vốn đầu tư ít, dễ bị các thương lái ép giá và thường chịu nhiều rủi ro, luôn trong tình trạng “được mùa, rớt giá”.
Đại biểu nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ với ưu đãi đặc thù, vượt trội là cần thiết và cấp bách để tận dụng các cơ hội về cắt giảm thuế của các thị trường trong các Hiệp định thương mại CPTPP, EVFTA; tăng cường tính kết nối, đồng bộ, gắn kết với các trung tâm logistics theo quy hoạch để phát triển bền vững kinh tế vùng.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết này có đủ cơ sở chính trị và thực tiễn, tạo điều kiện để thành phố phát triển, tạo cơ chế để thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Cần Thơ là vùng đất có nhiều lợi thế và là một đô thị phát triển sầm uất từ thời Pháp thuộc, đến nay tiếp tục là trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, theo đại biểu Nga, sự phát triển hiện nay của thành phố chưa tương xứng với tiềm năng vốn có, đáp ứng kỳ vọng, mục tiêu đề ra. Để Cần Thơ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, phát huy tối đa các lợi thế thì cần áp dụng một số cơ chế đặc thù như chúng ta đã từng xem xét cơ chế đặc thù cho một số tỉnh, thành phố vừa qua.
Giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng có ý nghĩa với các địa phương trong khu vực ĐBSCL. Từ những cơ chế, chính sách ưu đãi này có thể tạo nên các cực tăng trưởng, kích hoạt các vùng phát triển – là tinh thần được nêu tại Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, các chính sách được xây dựng phù hợp với Quy hoạch của vùng ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Chính phủ chuẩn bị xem xét thông qua, bảo đảm sẽ "thuận thiên" và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng; đồng thời, khuyến khích các hình thức xã hội hóa./.