Sáng nay (7/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2017; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) nhấn mạnh, nhân dân và cử tri tin tưởng khi nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được đưa ra xét xử; cuộc chiến không có vùng cấm. Nhân dân và cử tri cũng ấn tượng trước những phát biểu của Tổng Bí thư, như “lò nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy”, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo cao nhất của Đảng và đó là cam kết của Đảng, Nhà  nước trước cán bộ đảng viên và cử tri cả nước.

“Khi tiếp xúc cử tri thì có người nói rằng, 8 tháng trước tôi còn lo lắng và suy nghĩ khác thì đến nay tôi đã suy nghĩ khác rồi” – ông Tạ Văn Hạ dẫn lời cử tri; đồng thời đề nghị Chính phủ thông tin sớm về các vụ án, vụ việc và báo cáo kết quả thu hồi tài sản tham nhũng.

vov_ta_van_ha_bac_lieu_nnke.jpg
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ: "Tham nhũng vặt len lỏi vào mọi ngõ ngách"

Nhấn mạnh “lò đã nóng thì “củi khô”, “củi nhỏ” phải cháy trước”, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, “tham nhũng vặt” đã và đang diễn ra hàng ngày len lỏi vào mọi ngõ ngách, ở các địa phương, lĩnh vực với nhiều hình thức rất đa dạng.

“Ngoài đường thì người vi phạm giao thông mong “thông cảm” bỏ qua mà nộp phạt không lấy hoá đơn; trong trường thì còn đổi phong bì lấy điểm; ở bệnh viện thì lo lót tay để được điều trị tốt hơn; trong cơ quan nhà nước thì còn nhiêu khê, phiền hà nên nếu muốn nhanh, thuận lợi phải có bồi dưỡng” – vị đại biểu đoàn Bạc Liêu dẫn chứng và cảnh báo “con tàu có thể đắm vì nhiều lỗ rò nhỏ” vì “tham nhũng vặt” gây nhiều bức xúc, làm mất dần niềm tin trong nhân dân.

Từ thực tế nêu trên, ông Tạ Văn Hạ kiến nghị, ngoài những giải pháp mà Chính phủ nêu ra thì cần cần tạo môi trường mà ở đó không còn cơ hội tham nhũng bằng cách hoàn thiện pháp luật, công khai minh bạch, xoá bỏ thủ tục hành chính không cần thiết. Tạo môi trường không dám tham nhũng bằng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém, tham nhũng, sách nhiễu. Và cuối cùng là tạo môi trường không muốn tham nhũng từ việc tinh gọn bộ máy, có chế độ thoả đáng và cơ hội phát triển bình đẳng của công chức, viên chức.

Cũng bày tỏ về nạn “tham nhũng vặt”, trong phiên thảo luận trước đó, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cũng bày tỏ bức xúc về tình trạng "cả họ làm quan" ở cấp xã, khi có chương trình, dự án đầu tư cho xã thì trâu, bò, dê, gà lại... “đi lạc” vào nhà lãnh đạo. Hay dịp lễ tết, thiên tai bão lũ được các nhà hảo tâm cứu trợ, giúp đỡ để bà con có miếng cơm manh áo qua cơn hoạn nạn thì danh sách đầu bảng để nhận những xuất quà ấy lại là vợ con, dòng họ thân thuộc của cán bộ, công chức.

“Nhận diện rõ tham nhũng vặt của cán bộ công chức để có biện pháp kiên quyết xử lý là rất cần thiết, chưa nói là đã muộn, bởi vì hệ lụy là khôn lường đó nếu để lâu, kéo dài” – nữ đại biểu nhấn mạnh, đồng thời cảnh báo “nếu quan niệm "nhà dột từ nóc" là nguy hiểm thì lũ lụt ngấm vào nền còn nguy hại hơn rất nhiều. Nền móng mà lún sụt thì không nhà cửa nào đứng vững”./.