“Về tham nhũng chúng ta nói nhiều rồi, bản thân tôi cũng thế” – vị Phó Tư lệnh Quân khu 2, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò trải lòng khi phát biểu thảo luận về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, tại Kỳ họp thứ 4 (sáng 7/11), đồng thời ông cho rằng, khi khai báo tài sản thì ít nhất phải khai báo 3 đời, công khai treo ở những nơi công chúng có thể nhìn thấy, dân mới giám sát được.
“Người ta có biết ông có cái gì đâu, con cái ông có cái gì, làm sao họ biết nếu ông không công khai? Nên chúng ta phải công khai, nhất là các đợt chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị đại hội. Tài sản cứ giấu diếm sợ người ta biết, như thế không minh bạch” – ông Sùng Thìn Cò nói.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: "Công khai tài sản để dân giám sát" |
Vị tướng quân đội cũng đề nghị, “nếu cần thiết thì làm phiếu thăm dò cán bộ công chức hoặc nhân dân xem ai nào có “chứng nhận” tham nhũng nhiều nhất thì cho nghỉ đi. Làm như kiểu phiếu thăm dò tín nhiệm cán bộ mới có thể làm triệt để được”.
Đại biểu đoàn Hà Giang chia sẻ, rằng ông đọc một câu chuyện khi Vua đưa quan trung thần ra pháp trường để chém đầu, trung thần mới nói: Trước khi Vua chém đầu tôi, tôi hỏi Vua tài sản lớn nhất của vua là gì?” Vua không trả lời được. “Tài sản lớn nhất của Vua là lòng dân, Vua cứ chém tôi, tôi đi rồi vua cũng đi theo. Vì bọn quan lại giàu hơn Vua, lòng dân mất hết rồi!” - Vị quan trung thần nói.
“Tham nhũng của chúng ta cũng thế. Tài sản lớn nhất của Đảng, Nhà nước là lòng dân. Nếu chúng ta không trị được giặc nội xâm này thì mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây là vấn đề tất yếu khách quan, chúng ta không trách ai cả, chúng ta chỉ trách chúng ta” – ông Sùng Thìn Cò kết thúc bài phát biểu.
Vì sao người dân không tố cáo tham nhũng?
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk) khẳng định cử tri và nhân dân rất phấn khởi, có niềm tin hơn vào Đảng, Nhà nước với quyết tâm chính trị và khẳng định rõ, không có vùng cấm trong đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo đại biểu, báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ, rõ nét thực trạng công tác phòng chống tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân: "Người dân không tố cáo tham nhũng vì không có hay vì họ không dám, không muốn tố cáo?" |
Nữ đại tá công an nhấn mạnh, tố cáo của công dân là một kênh thông tin rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy vậy, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tổng hợp các số liệu cần và đủ như có bao nhiêu vụ tham nhũng do công dân báo cáo, tỷ lệ tố cáo của công dân đúng sai thế nào, thu hồi tài sản ở lĩnh vực này được bao nhiêu, người tố cáo có được thưởng không và thưởng bao nhiêu.
Ngược lại, người tố cáo có bị đe dọa, trù dập, trả thù không, nếu có thì có biện pháp bảo vệ người tố cáo như thế nào? Thiết nghĩ cần phải đánh giá, bổ sung trong báo cáo, để có cơ sở đánh giá đúng mức, đúng tầm vai trò của công dân trong công tác này.
“Câu hỏi đặt ra là chẳng lẽ trong một năm qua, không có công dân nào tố cáo về tham nhũng? Họ không tố cáo tham nhũng vì không có hay là họ không dám, không muốn tố cáo? Cả 3 góc độ này rất quan trọng, cần phải có nhận định, đánh giá một cách khách quan, thực tế” – vị Phó Giám đốc công an tỉnh Đắk Lắk đặt vấn đề.
Nữ đại biểu cũng dẫn kết quả khảo sát vừa qua, chỉ có 38% số người được hỏi trả lời là sẵn sàng tố cáo. Điều này cho thấy nhận thức và sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng chưa cao.
Lý giải vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Xuân, chúng ta chưa có quy chế riêng về bảo vệ người tố cáo tham nhũng, những biện pháp bảo vệ họ còn chưa được cụ thể hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, xóa bỏ những rào cản, lực cản của xã hội để khuyến khích người dân, tổ chức xã hội tham gia vào phòng, chống tham nhũng tích cực hơn./.
Lò đã nóng thì “củi khô”, “củi nhỏ” phải cháy trước
“Biệt phủ vẫn sừng sững, nhiều “củi tươi” vẫn an toàn sau những bức xúc”
“Rất khó xử lý tài sản bất minh của cán bộ”