Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có trao đổi với báo chí một số vấn đề về tố cáo chống tham nhũng.

a%20nghi_pham%20quang.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

PV: Thưa ông, thời gian qua, nhiều người muốn tố cáo tham nhũng nhưng lại sợ bị liên lụy khiến công tác này chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Đây có phải là vướng mắc lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng?

Ông Phạm Quang Nghị: Trên thực tế, chưa đủ cơ sở về mặt luật pháp cũng như thực tiễn để bảo vệ người tố cáo. Cho nên nhiều người còn lo ngại, chưa yên tâm tố cáo khi có thể người ta biết việc ấy. Thế nhưng, trong Luật, theo tôi cả hai vế tố cáo và vu cáo đều quan trọng như nhau. Vì hành vi tham nhũng nếu bị xem xét, xét xử là hành vi rất nghiêm trọng. Cho nên, bên cạnh việc bảo vệ người tố cáo thì có điều khoản ngăn ngừa, xử lý người vu cáo. Nếu mình chỉ nói cái này mà không nói cái kia thì lệch lạc.

Vì thế, trong Bộ luật phải làm sao tìm ra được cơ chế thực sự có hiệu lực, làm cho người tố cáo hoàn toàn yên tâm trước pháp luật. Đấy mới chỉ là một kênh thôi, còn từ tố cáo, rồi điều tra, đánh giá… Nhưng tố cáo là một trong những việc rất quan trọng.

PV: Thực tế, người nhận tố cáo lại có chức vụ nên nhiều khi người tố cáo thấy lo sợ vì mình sẽ bị trù dập hoặc thông tin bị giấu đi. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Quang Nghị: Thông thường, nếu suy nghĩ một cách trực tiếp thì lợi thế đôi khi không thuộc về người tố cáo. Là vì người bị tố cáo do quyền lực, do mối quan hệ xã hội, người ta có nhiều khả năng ngăn chặn hơn người tố cáo, phanh phui. Nhưng tôi vẫn phải nói lại, đã luật thì phải ngăn chặn bất cứ một việc gì lợi dụng pháp luật. Một khi mình dễ dãi trong khuyến khích tố cáo mà không có điều khoản xử lý người cố tình lợi dụng thì cũng rất nhiều người có khả năng bị oan. Đấy là việc của các nhà lập pháp.

PV: Liệu có cần quy định là người tiếp nhận tố cáo phải ở cấp cao hơn người bị tố cáo, thưa ông?

Ông Phạm Quang Nghị: Đây không phải là công việc của một người mà là nhiều cơ quan cùng phối hợp mới làm được. Cho nên, việc này không thể nói là một người nào đó có thể thẩm định, đánh giá, kết luận việc tố cáo ấy.

PV: Có ý kiến cho rằng nên thành lập ủy ban độc lập chống tham nhũng. Quan điểm của ông về nội dung này?

Ông Phạm Quang Nghị: Đây là một trong những ý kiến mà trong quá trình thảo luận nhiều người đưa ra. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu là một cơ quan độc lập thì rất khó. Chúng ta đang có một bộ máy đồng bộ, nhiều cơ quan cùng phối hợp mà làm còn khó nữa là độc lập.

PV:Xin cảm ơn ông!/.

Bà Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:

nên miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn cho người đưa hối lộ 

Tham nhũng đã trở thành quốc nạn thì phải có những giải pháp tương ứng với tình hình quốc nạn ấy. Nhưng hiện ta đang chặn cả hai đầu, vừa xử lý người nhận hối lộ đồng thời xử lý người đưa hối lộ. Điều khoản về miễn trách nhiệm nếu chủ động phát giác vẫn còn rất nhỏ và hẹp, dẫn đến tình trạng người đưa hối lộ nếu tố cáo sẽ đồng thời tố cáo chính mình.

Tôi đã đề xuất một vài lần trước Quốc hội trong tình hình hiện nay, nên miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn cho người đưa hối lộ thì mới xử lý được người nhận hối lộ. Vì công chức nhà nước, cán bộ có chức vụ quyền hạn thì phải chịu sự kiểm soát của nhà nước nghiêm khắc hơn so với dân. Cũng cần hỏi tại sao dân đưa hối lộ, nếu không phải bị nhũng nhiễu, gây khó dễ? Ngoài ra còn vấn đề án treo. Đây là một quy định rất nhân đạo trong Bộ luật Hình sự, án treo nhiều hay ít không quan trọng bằng án treo đúng và xử đúng. Tuy nhiên qua nghiên cứu Bộ luật Hình sự, tôi thấy có sơ hở ở chỗ: chủ thể của tội tham nhũng là chủ thể đặc biệt, chỉ có người có chức vụ quyền hạn mới tham nhũng được. Trong khi đó, điều kiện hưởng án treo là bị phạt tù không quá 3 năm, có tình tiết giảm nhẹ và có nhân thân tốt. Rõ ràng người có chức vụ quyền hạn theo lý lịch đều có nhân thân tốt, chưa kể tòa án còn có thể xem xét các tình tiết như có thành tích, huân huy chương, phạm tội lần đầu. Như vậy chúng ta đang mâu thuẫn ở chỗ vừa trừng trị chủ thể đặc biệt ấy, vừa lấy đặc điểm của chủ thể ấy ra để giảm tội và cho hưởng án treo. Chừng nào chưa khắc phục được sơ hở pháp luật này thì không thể trách tòa án cho hưởng án treo các đối tượng đủ điều kiện.