Chiều 2/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi). Các đại biểu đều thống nhất nhận định, trước những diễn biến của nạn tham nhũng hiện nay, việc sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng ban hành năm 2006 là rất cần thiết. Tuy nhiên, để phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả thì các quy định trong dự án Luật về công khai kê khai tài sản, thu nhập và trách nhiệm của người đứng đầu, việc chuyển đổi công tác phải rất cụ thể.

Theo các đại biểu Quốc hội, một trong những nguyên nhân làm hạn chế, giảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thời quan qua là một số biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng chưa có cơ chế vận hành cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho việc tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, đến nay công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa đạt được yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng ngày càng có biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành… gây bức xúc trong xã hội. 

Xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay, nhiều đại biểu cho rằng, để phòng chống tham nhũng, Dự thảo Luật khi quy định chuyển đổi vị trí công tác của những người có chức vụ quản lý là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, cũng cần tính toán tới tính đặc thù, chuyên môn của đội ngũ công chức ở một số ngành nghề, nhất là ở các địa phương. Thời gian qua ở nhiều nơi, việc chuyển đổi không phù hợp dẫn đến không phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, với những lĩnh vực nhạy cảm thì cần chuyển đổi vị trí công tác cả với người đứng đầu và nhân viên nhưng cũng rất linh hoạt không cứng nhắc.

Đại biểu Nguyễn Đông Phong, đoàn TP HCM cho rằng: Nhiều đại biểu cho rằng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình. Ngoài ra, người đứng đầu còn phải có trách nhiệm kiểm tra để phát hiện ra các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật cần làm rõ “người đứng đầu” là ai. Ví dụ nếu phát hiện tham nhũng ở một Bộ, ngành thì đứng đầu được xác định là Trưởng phòng, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng hay Bộ Trưởng. Tương tự như vậy, ở địa phương khi có một hành vi tham nhũng xảy ra thì người đứng đầu là ai và trách nhiệm của các vị trí quản lý có liên quan đến đâu chưa được làm rõ trong Dự thảo Luật.

Việc công khai, minh bạch kê khai thu nhập, tài sản phải được tiến hành thường xuyên và bắt buộc nhất là những người có chức vụ, quyền hạn, thậm chí càng công khai rộng rãi càng tốt.. Nhiều ý kiến cho rằng, trong thực tế, với cơ chế quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ, quyền hạn, cán bộ, công chức, viên chức như hiện nay, nếu không có mối quan hệ công tác thì người dân tại nơi cư trú chỉ thuần túy căn cứ vào bản kê khai tài sản, thu nhập để giám sát, phát hiện ra việc kê khai không trung thực, phát hiện tham nhũng là rất khó khả thi.

Theo đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh, đoàn Hưng Yên thì để phòng chống tham nhũng hiệu quả Luật sửa đổi cần bám vào ba nội dung chính là: Tuyên truyền giáo dục, cơ chế chính sách và chế tài xử lý.

Đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh nói: “Nhiều đại biểu đặt vấn đề, trong Luật cần lưu ý có chính sách khen thưởng, bảo vệ quyền lợi cho những người  phát hiện và tố cáo những hành vi tham nhũng.. Đồng thời xử lý thật nghiêm những người cố tình trù dập, trả thù những người tố cáo tham nhũng. Chỉ có như thế, chúng ta mới tiếp nhận được những thông tin tố cáo tham nhũng hoặc những hành vi tiếp tay cho tham nhũng”.

Một nội dung cũng được nhiều đại biểu phát biểu đồng tình cao là việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban, để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của  Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị của Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.  Các đại biểu nhất trí nên ghi trong Luật, Đảng quy định chức năng nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương..

Trước đó, sáng cùng ngày, Quốc hội làm việc tại hội trường tiếp tục thảo luận về Công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng năm 2012. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều đại biểu lo ngại về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2012 còn diễn biến phức tạp gây bức xúc cho người dân. Nhiều đại biểu đề nghị cần tập trung nâng cao chất lượng công tác tòa án, quan tâm đến vai trò của hội thẩm nhân dân.

Cũng trong sáng 2/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường và Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh phát biểu tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu quốc hội và giải trình thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu ra./.